Cuối giờ chiều qua, giá vàng trong nước tăng dựng đứng khi vàng thiết lập một đỉnh mới với mức giá vọt tăng lên tới 2.056 USD/ounce vào lúc 21h30 ngày 5/8 theo giờ Việt Nam, khiến thị trường trong nước điều chỉnh tăng gần triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch sáng và chiều.
Ghi nhận lúc 9h30 sáng nay (6/8), giá vàng SJC tại thị trường TPHCM đang được niêm yết ở mức 58,60 - 59,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tại Hà Nội đang giao dịch ở mức 58,60 - 59,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối phiên giao dịch hôm qua, giá vàng tăng 700.000 đồng/lượng chiều mua vào, tăng 750.000 đồng/lượng chiều bán ra. Tăng mạnh 1,25 triệu đồng/lượng chiều mua vào, tăng 1,32 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với phiên đầu giờ hôm qua. Biên độ mua vào bán ra đang được giãn rộng ở mức 1,27 triệu đồng.
Tại hệ thống của Công ty vàng bạc đá quý Doji, thị trường Hà Nội niêm yết giá vàng ở mức 58,40- 59,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giá vàng tăng ở mức 400.000 đồng/lượng chiều mua vào, tăng 600.000 đồng/lượng chiều bán ra, biên độ hai chiều đang giãn cách ở mức 1,1 triệu đồng.
Hệ thống cửa hàng của Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu vàng SJC được niêm yết ở mức 58,40 - 59,45 triệu đồng/lượng, giá vàng tăng ở mức 350.000 đồng/lượng chiều mua vào, chiều bán ra tăng 450.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua, biên độ hai chiều đang giãn cách ở mức 1,15 triệu đồng.
Vàng Phú Quý điều chỉnh giá vàng ở mức 58,30 - 59,50 triệu đồng/lượng, giá vàng tăng ở mức 400.000 đồng/lượng chiều mua vào, tăng 600.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Biên độ giao dịch giãn cách 1,2 triệu đồng.
Thị trường vàng tiếp tục lên cao mức cao mới đối với cả hợp đồng tương lai và giao ngay. Theo CNBC, đóng cửa phiên hôm qua, giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 12/2020 tăng 34,70 USD/ounce tương đương 1,4% lên 2049,30 USD/ounce; hợp đồng vàng giao ngay cộng 1% lên 2037,81USD/ounce. Vàng đã liên tục có các phiên phá đỉnh kỉ lục trước đó, với giá vàng đã tăng hơn 3% chỉ trong 3 phiên đầu tuần.
Bart Melek, người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa của TD Securities cho biết: "Chúng ta đang chứng kiến đồng USD liên tục giảm giá, đường cong lợi suất của Mỹ giảm hơn nữa và lạm phát gia tăng". Các nhà đầu tư lo ngại những gói kích thích khổng lồ sắp tới để chống Covid-19 sẽ làm gia tăng lạm phát. Lợi nhuận thực tế từ trái phiếu Mỹ đã giảm mạnh, khiến vàng trở nên đặc biệt hấp dẫn.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến xấu, căng thẳng Mỹ-Trung càng càng leo thang, thảm họa thiên nhiên khắp nơi và mới đây nhất là vụ nổ khủng khiếp ở Li-băng ngày 5/8 khiến hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị thương... khiến ngưỡng tâm lý 2.000 USD/ounce không còn kháng cự nổi, giới đầu tư lại đổ xô vào các loại tài sản an toàn khi thế giới ngày càng bất ổn.
Trước diễn biến của giá vàng thế giới, chiều qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi thông cáo về tình hình giao dịch vàng khi cả giá vàng trong nước và thế giới đều lập kỉ lục cao mới. Đánh giá về tình hình, Ngân hàng Nhà nước nhận định, nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng giá vàng này là nhu cầu đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn ngày càng tăng trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời cho rằng, mức tăng của giá vàng miếng SJC trong nước phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, khác với trước đây, khi giá vàng tăng thì mọi người thường đổ xô đi mua vàng, hiện nay giao dịch thị trường không có đột biến, tình hình mua, bán vàng miếng trầm lắng, doanh số mua, bán vàng đã giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái.
"NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường, NHNN sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường", thông cáo cho biết.
(Nguồn tham khảo: SJC, Doji, BTMC...)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn