Phát biểu tại diễn đàn khoa học "Tăng trưởng xanh Việt Nam 2023" do Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức diễn ra sáng 3/11 tại Hà Nội, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là vấn đề hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi tăng trưởng xanh là con đường tất yếu của sự phát triển và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành đã nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Cụ thể, đã có 2 chiến lược tăng trưởng xanh và kế hoạch thực hiện tăng trưởng xanh được ban hành. Việt Nam cũng đã xây dựng khuôn khổ pháp lý, thể chế để khuyến khích phát triển tăng trưởng xanh.
Song, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những nỗ lực này mới chỉ là bước khởi đầu, cơ hội và thách thức còn rất nhiều phía trước.
Nguồn lực là một trong những vấn đề còn hạn chế trong chiến lược tăng trưởng xanh hiện nay. Trong phần phát biểu, bà Ngọc đề cập tới hai khía cạnh nguồn lực: tài chính và con người.
Nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp để có thể đạt được các mục tiêu trong chiến lược tăng trưởng xanh, đặc biệt, chúng ta còn phải ứng phó với nhiều vấn đề của khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, bà bày tỏ mong muốn gửi thông điệp tới các nhà khoa học tham gia, dồn sức và tâm huyết để đồng hành cùng Bộ, tìm ra giải pháp hữu hiệu, đảm bảo nhằm đạt được thành tựu vững chắc và mục tiêu của tăng trưởng đã nêu.
Tăng trưởng xanh cần nguồn lực rất lớn, thế nên, để chiến lược đạt hiệu quả cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc huy động nguồn lực; cần có cơ chế vừa khuyến khích, vừa ràng buộc doanh nghiệp có thể thực hiện tốt chuyển đổi xanh.
Bà chia sẻ thêm, chuyển dịch năng lượng không đơn thuần là chuyển dịch giữa các loại hình công nghệ mà đó là thay đổi cả nền kinh tế. Vì vậy, ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh.
Điểm nổi bật nhất của chiến lược là cân bằng, hài hòa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp.
Có thể nói, trong việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, huy động nguồn lực và chuyển dịch năng lượng công bằng là giải pháp căn bản để giúp cho Việt Nam có thể giải quyết thách thức từ biến đổi khí hậu, cắt giảm khí nhà kính nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.
Diễn đàn mở ra không gian trao đổi, thảo luận nhằm xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh hiệu quả với hơn 300 đại biểu là nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo, doanh nghiệp,... và 20 phần tham luận, xoay quanh nội dung: kinh nghiệm thực hiện tăng trưởng xanh và giảm phát thải ở các quốc gia trên thế giới; tập trung vào thể chế, chính sách, khơi thông và huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, phát triển thị trường carbon; các rào cản, điểm nghẽn thời gian qua;...
Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp để có báo cáo kiến nghị chính sách gửi đến Chính phủ và các cơ quan liên quan.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn