Huyện Kim Bôi - Hòa Bình: Nhức nhối tình trạng loạn luân, xâm hại tình dục trẻ em

17:56 | 28/08/2019;
Trong vòng 5 năm từ 2015 đến tháng 6/2019, toàn huyện Kim Bôi (Hòa Bình) xảy ra 32 vụ xâm hại trẻ em, trong số đó có 20 vụ xâm hại tình dục. Đau lòng hơn, 32 trẻ bị xâm hại thì có đến 29 trẻ bị xâm hại từ chính người ruột thịt, người thân thiết và người quen, gây hậu quả và tổn thương nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe và tương lai của trẻ.

32 vụ xâm hại trẻ em trong 5 năm, phần lớn là xâm hại tình dục

Đây là những con số được UBND huyện Kim Bôi đưa ra tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề phòng, chống xâm hại trẻ em, diễn ra chiều nay 28/8. Ông Bùi Văn Dùm – Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết, 32 vụ xâm hại trẻ em xảy ra trong vòng 5 năm qua phần lớn là xâm hại tình dục với 20 vụ (chiếm 60%). Trong 32 vụ này, vẫn còn một vụ chưa phát hiện được đối tượng xâm hại.

So sánh với giai đoạn 3 năm trước đó (2011 – 2014) với tổng số vụ xâm hại là 12 vụ (đều là xâm hại tình dục trẻ em), giai đoạn 5 năm vừa qua đã tăng thêm 20 vụ, trong đó xâm hại tình dục tăng 8 vụ.

Điều đau lòng nhất đến từ các vụ xâm hại là đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em chính là người ruột thịt (bố đẻ) với 4 vụ, người thân thiết và người quen của trẻ. Địa bàn xảy ra phần lớn tại gia đình, nạn nhân phần lớn là trẻ em gái, độ tuổi từ 13 – 16 tuổi.

“Phương thức, thủ đoạn xâm hại chủ yếu do dụ dỗ trẻ, lợi dụng vợ đi làm ăn xa, đối tượng có âm mưu từ trước hoặc do bột phát không làm chủ được bản thân. Hành vi thủ đoạn đa dạng và nghiêm trọng. Nhiều vụ việc khó phát hiện và không thể kịp thời ngăn chặn do thủ phạm là người thân quen của trẻ” – ông Dùm nhìn nhận.

 

bui-van-dum.JPG
Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi thông tin về phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện. Ảnh: D.H

Còn theo Thượng tá Nguyễn Văn Huy – Trưởng Công an huyện Kim Bôi, đáng chú ý là tình trạng loạn luân (bố đẻ hiếp dâm con) vẫn xảy ra. Số trẻ em nhỏ tuổi bị xâm hại tuy đã được kiềm chế, nhưng còn diễn biến phức tạp. “Đối tượng xâm hại trẻ em đa số là người có quan hệ gần gũi, quen biết với nạn nhân hoặc với người thân của nạn nhân với phương thức, thủ đoạn tội phạm đa dạng, nghiêm trọng hơn” – Thượng tá Huy nhận định.

Một trong những vụ án nghiêm trọng liên quan đến tình trạng loạn luân là vụ bố đẻ xâm hại tình dục con gái diễn ra vào tháng 2/2018 từng khiến dư luận bàng hoàng. Theo đó, UBND xã Vĩnh Đồng nhận được đơn trình báo của chị Bùi Thị Chiển là mẹ đẻ của cháu Đinh Thị H. (sinh năm 2006) bị bố đẻ là Đinh Công Thuận (sinh năm 1981) xâm hại tình dục nhiều lần tại nhà.

Nguyên nhân đến từ việc chị Chiển ly thân với chồng và thường xuyên đi làm thuê vắng nhà, cháu H. sống với bố. Đối tượng Thuận thường xuyên uống rượu say và xâm hại con gái nhiều lần tại nhà để vừa thỏa mãn, vừa trả thù vợ. Hậu quả là cháu H. bị trầm cảm, tự kỷ, không tiếp xúc và hợp tác với người ngoài.

Đối tượng Đinh Công Thuận sau đó đã bị khởi tố hình sự về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi", lĩnh án 17 năm tù giam. 

Thiếu quan tâm trẻ, tố giác muộn

Những vụ xâm hại trẻ em xảy ra với mức độ gia tăng đang gây hậu quả nghiêm trọng và nặng nề đối với trẻ. Theo Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi Bùi Văn Dùm, phần lớn trẻ bị tổn thương về tinh thần và sức khỏe, đặc biệt bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập với xã hội.

Trong số 32 nạn nhân bị xâm hại, có 2 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục.

Về nguyên nhân, ông Dùm cho biết phần lớn do cha mẹ, người chăm sóc trẻ chủ quan, ít quan tâm chia sẻ với trẻ và thiếu hiểu biết về tâm sinh lý của trẻ. Trong khi đó, bản thân nhiều trẻ gặp hạn chế về nhận thức, tò mò khám phá về giới tính nhưng lại thiếu kỹ năng phòng ngừa, tố giác người xâm hại.

 

kim-boi.JPG
Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với huyện Kim Bôi chiều 28/8. Ảnh: D.H 

Cũng theo ông Dùm, không thể không kể đến những rạn vỡ trong gia đình, sự xói mòn giá trị truyền thống khiến số trẻ em bị sao nhãng tăng cao, tạo cơ hội bị lạm dụng, xâm hại dễ dàng. Nhất là sự xâm hại đó đến từ chính người thân quen của trẻ.

Còn theo ông Bùi Văn Chương, Chánh án TAND huyện Kim Bôi, khó khăn vướng mắc lớn nhất trong quá trình điều tra xét xử các vụ án xâm hại trẻ em, vẫn là việc thu thập chứng cứ, chứng minh. Theo đó, việc thu thập các tài liệu ban đầu như các dấu vết, mẫu tinh dịch, mẫu AND của đối tượng gây án để lại trên người và quần áo của nạn nhân luôn là trở ngại lớn.

“Nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, gia đình tuy biết nhưng lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến khai báo muộn, vô hình chung tạo điều kiện cho đối tượng có đủ thời gian xóa dấu vết” – ông Chương cho hay.

Cũng theo ông Chương, một khó khăn lớn trong quá trình điều tra chính là trong quá trình chờ xét xử, giữa gia đình bị cáo và gia đình bị hại có sự thỏa thuận, thậm chí bị đe dọa hoặc hứa hẹn nên tại phiên tòa, người bị hại đã thay đổi lời khai, phủ nhận lời khai trước đó, thậm chí một mực bảo vệ bị cáo, gây khó khăn cho Hội đồng xét xử.

Đối với việc phòng ngừa, tạo môi trường an toàn lành mạnh cho trẻ, ông Bùi Văn Dùm cho hay, việc tạo điều kiện cho trẻ được sinh hoạt, vui chơi còn quá hạn chế như thiếu các điểm vui chơi cho trẻ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nguồn kinh phí chi cho việc xây dựng các môi trường lành mạnh cho trẻ em còn thiếu.

Ông Bùi Văn Dùm nhấn mạnh, nếu không có giải pháp cụ thể và chỉ đạo quyết liệt trong tuyên truyền của các cấp ngành và các tổ chức chính trị - xã hội thì tình hình xâm hại trẻ em tại huyện sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp.

Gửi kiến nghị đến đoàn giám sát, UBND huyện Kim Bôi đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung các văn bản, các suy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Cần tạo ra một cơ chế, một “lá chắn” vững chắc để ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em.

“Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ nghiên cứu, bổ sung các chính sách nhằm tăng cường công tác phòng, chống xâm hại trẻ em ở địa phương. Cụ thể là bổ sung cán bộ chuyên trách đối với cấp huyện, cấp xã, xây dựng các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại tỉnh, huyện. Đồng thời tăng cường ngân sách chi cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hàng năm…” - ông Dùm kiến nghị.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn