Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 3km về phía Tây Nam, hòn Vọng Phu (còn gọi là Vọng Phu Trạch) sừng sững, hiên ngang giữa đất trời. Đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của xứ Thanh, biểu tượng về tình thủy chung son sắt của người Việt.
Hòn Vọng Phu là cột đá cao khoảng 20m, nhìn từ xa tựa như hình dáng một người phụ nữ bồng con, mặt ngoảnh ra biển. Cũng bởi vậy, người dân địa phương tin rằng, hòn Vọng Phu gắn liền với tích truyện người phụ nữ thủy chung chờ chồng đến hóa đá.
Thắng cảnh hòn Vọng Phu nằm trên đỉnh núi Nhồi, thuộc phường An Hưng (TP Thanh Hóa). Để chiêm ngưỡng cận cảnh hòn Vọng Phu, du khách buộc lòng phải đi qua hàng trăm bậc thềm bằng đá.
Sau chừng 20 phút leo núi, du khách có thể thư thái tận hưởng không khí trong lành trên đỉnh núi Nhồi. Ngắm cảnh sắc non xanh nước biếc và cả những công trình cao chót vót phía trung tâm TP Thanh Hóa.
Nổi bật giữa màu xanh của mây trời, là khối đá sừng sững cao chừng 20m. Trải qua ngàn năm, suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Người dân nơi đây tin rằng, đây là khối đá mang hình hài của người phụ nữ thủy chung chờ chồng nghìn năm đến hóa đá.
Chuyện xưa kể rằng: Có một đôi vợ chồng nghèo khó nhưng hết mực yêu thương nhau. Một ngày nọ, họ nghe nói về loài cỏ quý có thể đổi được bạc vàng, vì không muốn vợ con chịu cảnh khổ cực, người chồng đã lên đường đi tìm thảo dược.
Nhiều năm trôi qua, không thấy chồng về, người vợ bèn bồng con trèo đèo, vượt suối tìm chồng. Đến một ngày, nàng bồng con tìm đến một ngọn núi cao, với hy vọng sẽ tìm thấy người chồng yêu quý.
Thế rồi, nàng bồng con trèo lên đỉnh núi, mặt ngoảnh ra biển đợi chồng đến hóa đá ngàn năm.
Một tích truyện khác lại kể rằng, xưa kia có một chàng trai vốn dòng hào kiệt kết duyên vợ chồng với một cô gái nết na, xinh đẹp nhất vùng. Họ sống bên nhau quấn quýt, nàng dệt cửi quay tơ còn chàng dùi mài kinh sử, mong đến ngày ứng thí.
Sau khi nàng hạ sinh cô con gái kháu khỉnh, đất nước bỗng xảy ra nạn binh đao. Người chồng phải ra biên ải bảo vệ đất nước, rồi hy sinh trong chiến trận. Ở quê nhà, người vợ vẫn thủy chung ôm con chờ chồng đến hóa đá.
Không biết đâu mới là tích truyện thực sự về hòn Vọng Phu trên núi Nhồi. Song, việc tìm câu trả lời có lẽ không phải là điều thực sự cần thiết. Bởi, ngàn vạn năm qua, hòn Vọng Phu vẫn sừng sững đứng đó, trường tồn cùng đất trời.
Hình tượng hòn Vọng Phu cũng trở thành biểu tượng đẹp về lòng thủy chung son sắt mà người vợ dành cho chồng mình. Và, cũng trở thành nguồn cảm hứng cho các thi sĩ muôn đời nay. Đại thi hào Nguyễn Du, trong một lần ghé thăm xứ Thanh đã để lại cho đời những vần thơ cảm xúc: "Đá chăng? Người đó? Chi đây?/Một mình trên ngọn núi này ngàn năm,...".
Hòn Vọng Phu nằm trong Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi), cùng với đền Quan Thánh, đền Thượng, lăng Quận Mãn và chùa Tiên Sơn. Năm 1992, cụm di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Cách hòn Vọng Phu khoảng 50m là đền Thượng được dựng trên một đỉnh núi mồ côi rất độc đáo. Từ trên đền Thượng có thể phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Nhồi.
Nhà ở ngay sát chân núi Nhồi, ông Mai Văn Sơn (61 tuổi, phường An Hưng, TP Thanh Hóa), chia sẻ: "Trước đây, núi Nhồi nơi có hòn Vọng Phu có hình hài rất to lớn. Chân núi chạy sát xuống tới đền Thượng, chứ không như bây giờ. Ngày nhỏ, tôi cũng nghe ông bà kể về sự tích hòn Vọng Phu, người dân ở đây vẫn hay gọi là núi Trông Chồng. Xung quanh hòn Vọng Phu có nhiều di tích rất linh thiêng nên vào dịp lễ, Tết rất đông du khách tới dâng hương".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn