Huyền thoại thương hiệu ‘cánh cửa đỏ’ Elizabeth Arden

09:24 | 23/01/2017;
Ra đời cách đây hơn 100 năm, thương hiệu Elizabeth Arden với biểu tượng cánh cửa đỏ vẫn luôn tìm được cho riêng mình một chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Là một công ty chuyên về sản phẩm dưỡng da và mỹ phẩm và nước hoa, khởi nghiệp năm 1910 trên đất Mỹ, bà Florence Nightingale Graham đã dùng Elizabeth Arden làm nghệ danh cũng như đặt tên cho công ty. Với biểu tượng Red Door (cánh cửa đỏ), Elizabeth Arden đã trở thành một trong những thương hiệu mỹ phẩm, nước hoa hàng đầu thế giới.

Elizabeth Arden tên thật là Florence Nightingale Graham, sinh năm 1884 tại Canada. Bà từng theo học nghề y tá và thử qua nhiều công việc khác nhau tại Toronto. Tuy nhiên, bà luôn cảm thấy rằng bản thân phải làm một chuyện gì khác to tát hơn.

Florence đã sớm bộc lộ tầm nhìn chiến lược ngay từ khi còn là y tá. Bà nhìn thấy trước những loại kem trị phỏng và thuốc mỡ không chỉ đơn thuần là thuốc mà còn có tiềm năng trở thành các loại kem dưỡng da. Bà bắt đầu thí nghiệm tại chính căn bếp ở nhà, thử qua nhiều thành phần khác nhau và không ngừng tìm kiếm công thức cho một loại kem hoàn hảo. Những người hàng xóm xung quanh cứ nghĩ mùi hương khó chịu phát ra từ ngôi nhà là mùi trứng thối do gia đình này không đủ tiền mua thực phẩm tươi.

Elizabeth Arden khởi đầu thương hiệu mỹ phẩm của mình với ý tưởng này sinh từ lọ kem trị phỏng. 

Ban đầu, Florence đã phải đối mặt với nhiều thất bại và sự chán nản từ mọi người xung quanh, kể cả gia đình. Cha bà khuyên nên từ bỏ và lập gia đình như những phụ nữ trẻ khác ở đầu thập niên 1900. Tuy nhiên, Florence quyết tâm theo đuổi giấc mơ của mình, đó là lập nên một hãng mỹ phẩm thật sự.

Ở tuổi 24, Florence quyết định đến New York. Tràn đầy niềm tin và hy vọng, bà yêu thành phố này ngay từ cái nhìn đầu tiên. Florence kết bạn với một nhà hóa học và bắt đầu những nghiên cứu cho sản phẩm kem dưỡng làm đẹp, một khái niệm chưa ai nghĩ đến lúc đó. Đồng thời, bà làm việc tại một thẩm mỹ viện và thành thạo kỹ năng massage mặt do Eleanor Adair, bậc thầy trong giới làm đẹp thời bấy giờ chỉ dạy.

Năm 1910, Florence hợp tác cùng người bạn Elizabeth Hubbard mở spa đầu tiên ở Fifth Avenue, New York. Để làm nổi bật salon của mình, Elizabeth Arden đã cho sơn đỏ cánh cửa của salon và chính cánh cửa ấy đã trở thành một hình ảnh huyền thoại, biểu tượng cho sắc đẹp và cũng là logo của thương hiệu Elizabeth Arden cho đến ngày nay.

Tuy sự hợp tác nhanh chóng tan rã nhưng Florence vẫn kiên trì tiếp tục hoạt động kinh doanh riêng. Bà cũng bắt đầu sử dụng tên cửa hàng Elizabeth Arden thành tên riêng của mình.

 Trụ sở Elizabeth Arden ở Fifth Avenue, New York, Mỹ những năm 1910.

Năm 1914 chính là điểm sáng trong lịch sử của Elizabeth Arden khi bà sáng tạo ra các sản phẩm trang điểm phấn mắt, má, mascara và lần đầu tiên ra mắt các sản phẩm này tại thị trường Mỹ.

Năm 1914, Elizabeth nghiên cứu thành công loại kem dưỡng và lotion dành cho mặt. Đây là một trong những sản phẩm làm đẹp đầu tiên của thương hiệu. Lúc bấy giờ, phụ nữ không coi trọng việc make-up vì sợ bị gán ghép với hình ảnh không đàng hoàng. Elizabeth đã xây dựng hẳn một chiến lược marketing để thay đổi định kiến này.

Bà dạy phụ nữ cách make up sao cho phù hợp với hoàn cảnh và kết hợp các sản phẩm trang điểm toàn diện dành cho mặt, mắt và môi. Bà nhắm vào nhóm phụ nữ trung niên với những sản phẩm hứa hẹn mang lại vẻ trẻ đẹp cho họ. Cùng với việc các cảnh quay cận mặt được sử dụng nhiều hơn trên phim ảnh, make-up dần dần được xã hội chấp nhận.

 Cánh cửa đỏ - Biểu tượng của sắc đẹp có thể thấy ở bất cứ cửa hàng, showroom nào của Elizabeth Arden.

Mối quan tâm lớn nhất của Elizabeth Arden chính là niềm khao khát được tôn vinh vẻ đẹp của nữ giới. Trong những trung tâm chăm sóc sắc đẹp riêng và ngay cả trong những chiến dịch quảng cáo sản phẩm , bà đều tập trung vào việc hướng dẫn cho phụ nữ toàn thế giới những phương thức trang điểm. Cùng lúc đó, người phụ nữ này cũng đi tiên phong trong việc tạo ra những công thức mỹ phẩm, các hướng dẫn thay đổi toàn diện bề ngoài cùng với những cách kết hợp màu phấn mắt, son môi cùng và những tông màu trang điểm phù hợp.

Đến năm 1915, Elizabeth Arden mở rộng thương hiệu ra quốc tế. Bà thành lập salon đầu tiên ở Paris năm 1922 và những salon tiếp theo tại Nam Mỹ và Úc. Ngay cả trong giai đoạn Đại khủng hoảng, công ty của bà vẫn ăn nên làm ra. Trong suốt thập niên 1930, hãng đạt doanh thu 4 triệu đôla Mỹ/năm.

 Một mẫu quảng cáo mỹ phẩm Elizabeth Arden những năm 1940.

Năm 1930, Elizabeth Arden tạo ra sản phẩm huyền thoại Eight Hour Cream đánh dấu bước tiến vượt trội của thương hiệu. Sản phẩm này ngay lập tức thành công và chiếm lĩnh được thị trường. Elizabeth Arden thừa nhận thành công rực rỡ của mình với một tuyên bố táo bạo: ‘Chỉ có ba thương hiệu Mỹ được khắp thế giới biết đến là: máy may Singer, Coca-Cola và Elizabeth Arden’.

Elizabeth Arden giữ chức vị cao nhất trong công ty cho đến khi bà mất ở tuổi 81 vào năm 1966. Lúc đó, thương hiệu đã có hơn 100 salon trên toàn thế giới.

Ngoài những cống hiến cho ngành mỹ phẩm, Elizabeth Arden còn là một nhà hoạt động tích cực vì quyền lợi của nữ giới. Bà từng tham gia đoàn diễu hành gồm 15.000 phụ nữ, tất cả đều tô son môi màu đỏ như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết. Trong suốt Thế chiến II, bà đã phát triển những sản phẩm làm đẹp dành cho những phụ nữ phục vụ trong quân đội. Năm 1946, bà trở thành một trong những người phụ nữ đầu tiên xuất hiện trên bìa tạp chí Time.

 Với những đóng góp cho ngành mỹ phẩm, Elizabeth Arden được giới thiệu trên bìa tạp chí Time năm 1946.

Không chỉ áp dụng những tiến bộ khoa học vào mỹ phẩm, bà còn nổi tiếng với phương pháp tiếp cận toàn diện trong lĩnh vực làm đẹp. Từ thập niên 1920, bà đã khuyến khích phụ nữ phải uống nhiều nước, tránh ánh nắng mặt trời và tập yoga mỗi ngày.

Vào cuối thế kỷ 20, công ty đã được giao lại cho nhiều người và cuối cùng được giao lại cho FFI vào năm 2003, FFI tiếp tục dùng tên Elizabeth Arden đặt tên cho công ty của họ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn