Làm mẹ là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời người phụ nữ. Những nghiên cứu trước đấy cho thấy, trong quá trình mang thai, cơ thể trải qua những thay đổi liên quan đến tim mạch, hô hấp, trao đổi chất, thận và cơ bắp.
Mới đây, các nhà khoa học tiếp tục phát hiện bộ não của động vật khi mang thai có thể cũng trải qua những thay đổi to lớn. Điều này có thể cũng xảy ra tương tự trên cơ thể người khi mang thai.
Một nghiên cứu được thực hiện trên các cá thể chuột chỉ ra rằng quá trình mang thai dẫn đến việc các mạng lưới tế bào thần kinh được cấu trúc lại hoàn toàn, cũng như cung cấp những hiểu biết mới về vai trò của nội tiết tố trong cơ thể.
Cùng với đó, nhiều nghiên cứu trong thời gian gần đây đã phân tích cách bộ não của cơ thể mang thai chuẩn bị cho nhiệm vụ chăm sóc con non. Kết quả cho thấy nội tiết tố mang đến những thay đổi sâu sắc và gia tăng tính mềm dẻo của hệ thần kinh, khiến chúng dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài hơn.
Cụ thể, nghiên cứu trên chuột cho thấy bản năng làm mẹ của các cá thể này được kích hoạt bởi tác động của hormone estrogen và progesterone (nội tiết tố nữ và nam) lên não bộ ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Các nhà khoa học cho biết, những thay đổi tương tự nhiều khả năng cũng xảy ra ở não người. Công trình nghiên cứu này có thể mở đường cho những khám phá chuyên sâu hơn về sự thay đổi hành vi khi một người phụ nữ bước sang giai đoạn làm mẹ và vấn đề sức khỏe tâm thần sau sinh.
Tiến sĩ Jonny Kohl của Viện Francis Crick tại London (Anh), người chủ trì nghiên cứu này, cho biết: "Chúng ta biết rằng cơ thể phụ nữ có những thay đổi trong giai đoạn thai kỳ để chuẩn bị cho việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Một ví dụ là việc sản xuất sữa, vốn bắt đầu từ rất lâu trước thời điểm sinh sản. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cơ chế tương tự cũng xảy ra ở não bộ".
Tuy nhiên, Kohl nhìn nhận rằng, việc làm cha mẹ rõ ràng phức tạp hơn nhiều so với thế giới động vật bởi ngoài yếu tố tự nhiên con người còn có yếu tố xã hội. "Chúng ta có các lớp học cung cấp kiến thức sinh sản và làm mẹ, có thể học hỏi bằng cách quan sát, cũng như có nhiều tác động khác từ môi trường bên ngoài. Chúng ta không bị phụ thuộc vào những thay đổi nội tiết nhiều như loài chuột", TS Jonny Kohl nói
Kết luận của nghiên cứu cho thấy loài chuột trải qua sự thay đổi hành vi mạnh mẽ, với chuột cái chuyển từ trạng thái không quan tâm đến chuột con sang dành hầu hết thời gian để chăm sóc con non. Sự thay đổi hành vi này trước đây được cho rằng sẽ bắt đầu trong hoặc ngay sau thời điểm sinh con, những những nghiên cứu mới nhất cho thấy hiện tượng này bắt đầu sớm hơn và có khả năng để lại những tác động vĩnh viễn.
TS Kohl chia sẻ: "Chúng tôi nghĩ rằng những thay đổi này làm xáo trộn thứ tự của các ưu tiên. Chuột cái không mang thai và không có con sẽ tập trung vào việc giao phối, vì vậy không cần phải để ý tới con non của những con cái khác, trong khi chuột mẹ cần thực hiện bản năng tự nhiên để đảm bảo sự sống còn của con non. Điều hấp dẫn là sự thay đổi này không xảy ra trong khi đứa trẻ đang được sinh ra. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bộ não của con cái chuẩn bị cho sự thay đổi quan trọng này sớm hơn nhiều".
Năm 2016, Tiến sĩ, Bác sĩ Hoekzema đã công bố một bài báo trên tạp chí khoa học Nature Neuroscience, chỉ ra những thay đổi về mặt cấu trúc trong não của thai phụ. Một trong những thông tin quan trọng trong nghiên cứu này là sự giảm thể tích của chất xám của não bộ. Quá trình này có thể là cách cơ thể loại bỏ một số liên kết không cần thiết trong não để tạo ra những kết nối tế bào cần thiết cho nhiệm vụ chăm sóc em bé.
Mặc dù những ảnh hưởng của quá trình làm mẹ đối với hành vi của động vật đã được nghiên cứu từ đầu thế kỷ 20, việc tìm hiểu sâu hơn về những vận động trong bộ não của các thai phụ còn khá mới mẻ. Ở người, những thay đổi nội tiết tố không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến hành vi làm mẹ, nhưng việc hiểu biết về những thay đổi đang diễn ra trong bộ não có thể cung cấp thêm thông tin về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng như các tình trạng như trầm cảm và loạn thần sau sinh.
Giáo sư Robert Froemke đến từ Đại học Y tế NYU Langone (Hoa Kỳ) cho biết: "Vẫn còn rất nhiều điều chúng ta không hiểu về việc làm mẹ và cách nội tiết tố ảnh hưởng đến não bộ và cơ thể. Vì vậy, những kết quả từ nghiên cứu trên loài chuột này và những nghiên cứu gần đây là một bước tiến quan trọng để khám phá những bí ẩn đó. Việc làm mẹ là một trong những tổ hợp hành vi phức tạp và khó khăn nhất đối với cả con người cũng như các loài động vật khác".
Nhà nghiên cứu khoa học thần kinh Magdalena Martínez (Viện Nghiên cứu Sức khỏe Bệnh viện Gregorio Marañón, Tây Ban Nha và là điều phối viên của dự án BeMother - dự án nghiên cứu về mối liên hệ giữa não bộ và nhiệm vụ làm mẹ) đánh giá: Mục tiêu của lĩnh vực nghiên cứu này trước hết là để đặc trưng hóa các thay đổi mà bộ não biểu hiện trong thời kỳ mang thai. Trước đây, người ta cho rằng tính mềm dẻo của hệ thần kinh chỉ tồn tại ở độ tuổi vị thành niên trở xuống nhưng giờ đây vấn đề được đặt ra là liệu ngay cả khi đã trưởng thành, việc mang thai cũng có thể mang lại đặc tính này cho não hay không? Nếu có câu trả lời rõ ràng về vấn đề này có thể giúp chúng ta tìm ra phương pháp để hỗ trợ những phụ nữ đang hoặc sẽ mắc các chứng rối loạn như trầm cảm sau sinh. Đây là chứng rối loạn ảnh hưởng đến 20% các bà mẹ mang thai và sinh con.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn