Phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sỹ) dẫn báo cáo do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố cho biết phụ nữ trên thế giới tiếp cận với thị trường lao động khó khăn hơn nhiều so với nam giới, khoảng cách này là 26 điểm phần trăm, và chỉ có 1/4 số lượng nhân sự lãnh đạo là những phụ nữ có con nhỏ dưới 6 tuổi.
Tuy nhiên, một đánh giá được thực hiện vào năm 2017 trong khuôn khổ báo cáo được công bố sau 5 năm làm việc theo Sáng kiến kỷ niệm 100 năm thành lập ILO (1919-2019) về phụ nữ với lao động đã kết luận rằng 70% phụ nữ thích làm việc hơn là ở nhà trong khi chỉ có 45,3% phụ nữ được tuyển dụng so với tỷ lệ hơn 70% ở nam giới.
Trong gần 30 năm, khoảng cách này chỉ giảm 2%.
Một quan chức của ILO, bà Shauna Olney cho rằng: "Chúng ta cần thấy rằng đây là một thực tế đáng ngại thực sự".
Một vấn đề khác là phụ nữ bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn trước bởi chế độ thai sản trong việc tiếp cận công việc so với những người không có con, với tỷ lệ gần 40%.
Tuy nhiên, tình hình được cải thiện hơn ở châu Âu và một phần tại châu Mỹ, trái ngược với tình hình tại các quốc gia có thu nhập trung bình.
Những lý do giải thích cho điều này không thuyết phục, nhất là khi biết rằng châu Âu và một phần của châu Mỹ ghi nhận số lượng đông đảo phụ nữ trẻ tham gia vào thị trường lao động.
Tuy nhiên, theo bà Manuela Tomei, Giám đốc phụ trách về bình đẳng giới tại ILO, các chính sách được đưa ra cũng có tác động đáng kể, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển rất nhanh.
Các cơ sở chăm sóc trẻ em hoặc bảo trợ xã hội cũng đóng góp tích cực vào việc tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia thị trường lao động.
Trong 30 năm trở lại đây, số lượng phụ nữ trong đội ngũ các nhà quản lý thay đổi rất ít. Phụ nữ chỉ chiếm ít hơn 1/3 trong số những nhà lãnh đạo và tỷ lệ này chỉ là 25% với những phụ nữ có con nhỏ.
Phụ nữ đạt đến những vị trí cao hàng đầu thường là những người được đào tạo tốt hơn nam giới nhưng họ lại được trả mức lương thấp hơn.
Tuy nhiên, trung bình những phụ nữ lãnh đạo này trẻ hơn 1 tuổi so với nam giới và họ cũng mất ít thời gian hơn để giành được vị trí cao như vậy so với nam giới.
Các công nghệ mới đang khiến vấn đề bình đẳng giới trong thị trường lao động trở nên nghiêm trọng hơn, trong đó có bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc.
Khoảng cách về tiền lương giữa nam giới và phụ nữ ổn định ở mức khoảng 20%. Pakistan là quốc gia có khoảng cách về tiền lương lớn hơn cả.
Bà Tomei kêu gọi một sự cải thiện về chính sách pháp luật hay các thỏa thuận nhằm cải thiện sự bình đẳng trong vấn đề này.