Im lặng trước hành vi quấy rối tình dục vì sợ... mất việc làm

13:00 | 26/04/2021;
Vừa ra trường, Thuỳ Anh (TPHCM) đã xin vào làm ở một công ty công nghệ. Với mức lương ổn định, cô cảm thấy mình khá may mắn khi được làm đúng chuyên ngành đã học. Thế nhưng, sau vài tháng làm việc, cô quyết định xin nghỉ. Không phải vì cô không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công việc mà cô cảm thấy khó chịu khi bị một số đồng nghiệp nam quấy rối tình dục.

Thuỳ Anh kể, trong giao tiếp, đồng nghiệp nam thường xuyên đùa giỡn kiểu như "nhìn em hấp dẫn quá, sexy quá!" hay bình phẩm số đo trên cơ thể cô. Họ thích thú khi nói về "vòng 3", chuyện mặc đồ size nào... của đồng nghiệp nữ. Thuỳ Anh cho biết, có đồng nghiệp nam đi qua cố tình có những động chạm như bóp vai, nắn tay, sờ má cô... Lúc đó, Thuỳ Anh tìm cách tránh. Cô không phản ứng gay gắt nhưng trong lòng thấy khó chịu, ức chế vô cùng. Thuỳ Anh quyết định xin nghỉ việc.

Không nhiều người quyết định xin nghỉ việc với lý do như Thuỳ Anh. Bởi, kiếm được công việc có thu nhập ổn định là chuyện không dễ. Thế nên, dù rất khó chịu với hành vi quấy rối tình dục nơi công sở nhưng do muốn giữ công việc, nhiều người chọn cách im lặng.

Là người mới vào cơ quan nên Mai Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) được nhiều đồng nghiệp nam "để ý". Ban đầu, họ "bông đùa" kiểu như: "Hôm nay, trông em "ngon" đấy", "Nhìn em "nõn nà" thế này, các anh sao tập trung làm việc được"... Mai Phương cho biết, thỉnh thoảng cô còn bị nhìn chằm chằm bởi đồng nghiệp nam khiến cô thấy "nhột nhột". Có anh "táo tợn" hơn còn cố tình sờ vào đùi khi cô mặc váy. Mai Phương cho biết, cô không phải là người duy nhất trong cơ quan bị quấy rối tình dục. 

Im lặng trước hành vi quấy rối tình dục vì sợ... mất việc làm - Ảnh 1.

Bị quấy rối tình dục, nhiều người chọn cách im lặng vì sợ mất việc làm, mất hình ảnh, địa vị của bản thân, sợ mang tiếng...

Có người im lặng nhưng cũng có người tỏ thái độ rõ ràng, đặc biệt là những người đã làm lâu năm ở cơ quan. Mai Phương thì khác, cô là nhân viên mới. Cô không đủ "gan" để phản ứng lại. Khó khăn lắm cô mới xin được công việc ở đây. Cô không muốn mang tiếng là "người lắm chuyện", "chuyện bé xé ra to", "làm phức tạp hóa mọi chuyện". Bởi, với nhiều người, chuyện này "chẳng gây ra hậu quả gì nghiêm trọng". Thế nhưng, với Mai Phương, những hành vi quấy rối này khiến cô không thoải mái. Mỗi ngày đến cơ quan, nghĩ đến những đồng nghiệp nam có hành động không đúng chuẩn mực, cô lại sợ hãi, chán nản.

Theo thạc sĩ, bác sĩ tình dục học Nguyễn Lan Hải (Cố vấn chuyên môn Hội quán Các Bà Mẹ), quấy rối tình dục là việc sử dụng các hành vi hoặc lời nói có liên quan đến tình dục nhằm gây tổn thương danh dự và nhân phẩm của cả nam giới hoặc nữ giới. Hầu hết nạn nhân đều phải đối mặt với mặc cảm xấu hổ, thường xuyên trong tâm trạng lo âu, mất ngủ, sợ người khác biết, có khi nói ra còn bị cho là đang ảo tưởng về bản thân. Họ lo sợ, căng thẳng khi đến chỗ làm, không dám ăn mặc đẹp, thậm chí có người quay sang đổ lỗi cho bản thân. Nhiều người chọn cách im lặng vì sợ mất việc làm, mất hình ảnh, địa vị của bản thân, sợ mang tiếng...

Theo bác sĩ Nguyễn Lan Hải, nếu bị quấy rối tình dục, bạn đừng xem đó là lỗi của mình. Không ai có quyền quấy rối tình dục hoặc bắt nạt người khác, dưới bất kỳ danh nghĩa hoặc lý do gì. Chính thái độ im lặng đã vô tình tiếp tay cho những con "dê cụ" có đất sống, tiếp tục "leo thang" đến hành vi tấn công tình dục.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn