Hội đồng tối cao Iran (Guardian Council), sau 4 thập kỷ cấm phụ nữ đảm nhiệm chức vụ tổng thống đã cho phép phụ nữ tranh cử vào năm 2021.
Mặc dù cơ quan giám sát hiến pháp này chỉ có nhiệm vụ theo dõi quy trình bầu cử ở Iran, sàng lọc tất cả các ứng cử viên đủ điều kiện cho các vị trí chính phủ được bầu, nhưng điều này đã cho thấy một dấu hiệu tích cực về quyền phụ nữ, được nhiều người ủng hộ phong trào nữ quyền ủng hộ.
Trong cuộc họp báo ngày 10/10, Abbas Ali Kadkhodaei, người phát ngôn của hội đồng đã khiến các phóng viên ngạc nhiên khi cho biết không có lệnh cấm phụ nữ tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm tới. Ngoài ra, cũng không có điều khoản pháp lý rõ ràng nào ngăn cản cơ hội trở thành tổng thống của phụ nữ ở Iran trước đây
Trước đây, không có luật nào cấm phụ nữ ở Iran tranh cử tổng thống, nhưng việc giải thích một số từ theo nghĩa đen trong Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo kể từ năm 1979 đã khiến phụ nữ không thể thực hiện các chiến dịch tranh cử thành công. Điều 115 của Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo quy định rằng tổng thống nên được chọn từ những 'rijal' chính trị và tôn giáo của đất nước; người mang quốc tịch Iran, cam kết trung thành với các nguyên tắc của Cộng hòa Hồi giáo, có danh tiếng tốt và theo tôn giáo chính thức của đất nước, Hồi giáo Shia.
'Rijal' là một từ xuất phát từ tiếng Ả Rập, có nghĩa đen là "đàn ông". Và trong hơn bốn thập kỷ các luật sư của Hội đồng tối cao đã sử dụng từ này theo nghĩa đen của nó trong việc chú giải hiến pháp và không chấp nhận việc phụ nữ trở thành tổng thống. Các nhà phê bình của hội đồng nói rằng 'rijal' trong ngữ cảnh của hiến pháp dùng để nói đến các nhân vật chính trị và tôn giáo nói chung, không nhất thiết phải là nam giới. Tuy nhiên, phụ nữ Iran vẫn được đại diện ở các cấp hành chính công khác, bao gồm phó tổng thống, bộ trưởng nội các, đại sứ, nghị sĩ và giám đốc cấp tỉnh.
Tuyên bố đầy quyền lực của Guardian Council đánh dấu một sự đảo ngược đáng chú ý trong các chính sách cứng nhắc của Iran kể từ năm 1979.
Theo đó, cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng Hai ghi nhận tỷ lệ cử tri đi bầu thấp nhất trong số các cuộc bầu cử kể từ cuộc cách mạng năm 1979 ở Iran, khiến các nhà chức trách lo ngại rằng người dân phẫn nộ với chính phủ. Theo công bố, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên toàn quốc là 43%, trong khi ở Tehran chỉ có 22% cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu. Hiện giới lãnh đạo đang hy vọng rằng viễn cảnh phụ nữ được bầu làm tổng thống quốc gia có thể truyền cảm hứng cho nhiều người Iran bỏ phiếu hơn trong các cuộc thăm dò vào năm tới đồng thời góp phần củng cố tính hợp pháp của nhà nước.
Phụ nữ Iran đã cố gắng tranh cử tổng thống trong quá khứ nhưng đều bị loại mà không có lý do rõ ràng. Năm 2001, 47 phụ nữ đã cố gắng tham gia cuộc đua tổng thống và tất cả đều bị loại, Shahla Haeri - giáo sư nhân chủng học tại Đại học Boston cho biết.
Roja Fazaeli, một chuyên gia nghiên cứu về phụ nữ và là giáo sư tại Đại học Trinity ở Ireland nói "Thông báo của Hội đồng tối cao về việc phụ nữ có thể ứng cử tổng thống cũng là một chiến lược chính trị giống như một biện pháp khắc phục đáng kể tình trạng bất công trong quá khứ. Tất nhiên, phụ nữ phải đủ điều kiện mới có thể tham gia tranh cử tổng thống ở Iran, cũng như cần có quyền được bình đẳng ở các vị trí lãnh đạo ngang bằng với các đồng nghiệp nam".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn