Jane Birkin: "Nàng thơ Hermès" và một cuộc đời viễn du cùng thời trang & nghệ thuật

17:35 | 18/07/2023;
Dù là một biểu tượng phong cách kinh điển, nhưng Jane Birkin lại có rất ít tương tác với thời trang. Bên cạnh cột mốc "chính thống" trở thành nguồn cảm hứng cho thiết kế Birkin nổi tiếng, Jane chỉ tham gia làm mẫu trong một chiến dịch của Saint Laurent Paris năm 2016 và có một BST hợp tác cùng thương hiệu A.P.C năm 2022.

Chiếc giỏ liễu gai lăn lóc và huyền thoại Birkin trên một chuyến bay

Khi tham dự show diễn Hermes Thu Đông năm 2012, Jane Birkin từng trả lời phỏng vấn: "Bây giờ khi tôi đến Mỹ để hát thì họ kháo nhau rằng: Birkin? Cái túi xách Birkin á? Và tôi trả lời rằng: Đúng thế đấy, giờ cái túi xách đấy sẽ hát cho mọi người nghe"

Thập niên 1980s của thế kỷ trước, Jane Birkin là một nữ diễn viên - ca sĩ gốc London, sinh sống và làm việc tại Paris. Bà có cái duyên của một cô gái hippie gốc Ăng Lê thủ cựu được bồi đắp bởi chất thơ phóng khoáng của người Pháp: Tóc mái lưa thưa, mắt to tròn mơ mộng, phụ kiện vòng cổ nhiều tầng, áo phông trắng, áo blouse rộng, quần jeans vintage, những chiếc váy mini ngắn đan lưới để lộ cả núm vú… Và bà hay mang theo một chiếc giỏ liễu gai làm túi xách.

Trên một chuyến bay về London của hãng Air France, Jane được nâng hạng vé lên khoang Thương gia và người ngồi cùng bà trong chuyến bay đó là Jean-Louis Dumas - chủ tịch đồng thời là giám đốc nghệ thuật của Hermes khi ấy. Trong lúc Jane cố gắng nhồi chiếc giỏ của mình lên khoang chứa hành lý, đồ đạc bung ra khiến chiếc giỏ của bà nằm lăn lóc trên sàn. Ngài Dumas ngồi cạnh đã nói với bà rằng: bà cần một chiếc túi có ngăn. Jane đáp lời: Vào cái ngày Hermes làm túi có ngăn rộng rãi, tôi sẽ mua. 

"Nhưng tôi chính là Hermes, tôi sẽ làm cho bà một cái túi có ngăn như vậy" ngài Dumas nói. Rồi sau đó, Jane Birkin đã vẽ phác họa chiếc túi trong mơ của bà lên mặt sau của túi giấy nôn máy bay (airplane sick bag): Đó là một chiếc túi lớn hơn túi Kelly và nhỏ hơn chiếc vali của Serge Gainsbourg. Ngài Dumas sau đó đã đề nghị tặng Jane một chiếc Birkin thay cho lời cảm ơn bà đã cho phép Hermes được sử dụng họ Birkin của mình đặt tên cho chiếc túi. 

Những gì xảy ra tiếp theo trong lịch sử của thương hiệu Hermes giờ là huyền thoại Birkin - chiếc túi xách đắt đỏ được săn lùng, thèm muốn nhất thế giới. Đến một giai đoạn, người ta còn bảo nhau rằng đem tiền đi đầu tư mua Birkin cũng ngang ngửa với việc buôn bán bất động sản chỉ có lời không bao giờ lỗ. Còn người phụ nữ đằng sau huyền thoại này thực chất chỉ sở hữu đâu đó khoảng 4 cái túi Birkin cả đời. 

Nghe đồn, mỗi năm, Hermes lại gửi cho bà một khoản chi phí cỡ 30.000 Euro như một lời cám ơn trọn đời, tiền "bản quyền" cho cái tên Birkin và thiết kế túi xách kiêu hãnh nhất mà Hermes sở hữu trong di sản đồ sộ của thương hiệu. Và cũng có lẽ chỉ có Jane Birkin là người phụ nữ duy nhất trần đời này xách túi Birkin như xách một chiếc túi shopping tầm thường: Nhồi nhét, vứt toẹt xuống đất, ôm xách "cẩu thả"... 

"Một chiếc túi xách sẽ chẳng có gì vui nếu nó không thực sự được sử dụng: bị lôi xách xềnh xệch, nom như có cả một chú mèo cuộn tròn thường xuyên trong lòng túi. Tôi hay thích treo lên túi của mình đủ thứ, dán cả sticker, tròng cả chuỗi hạt quanh quai túi… bởi tôi không thích chiếc túi của mình nom như túi những người khác" - Jane Birkin. Viễn cảnh bất cần hồn nhiên này thật êm tai nếu như bạn là Jane Birkin thôi. Còn với người dùng phổ thông, chắc khó ai đủ lòng dũng cảm và sự phóng khoáng đến độ nhồi lô lốc tài liệu, giấy ăn, vật phẩm cá nhân hay thậm chí cho mèo ngồi vào chiếc túi mà bạn phải dùng đến cả vận may và nhân phẩm của mình mới có thể sở hữu được. 

Và đó là một phần làm nên sự quyến rũ của bà: Những thứ giá trị xa xỉ trong tâm thế của người tiêu dùng phổ thông ngày nay lại không có quá nhiều ý nghĩa đối với Jane Birkin. 

Một cuộc đời viễn du cùng nghệ thuật rồi thời trang

Jane Birkin chắc chắn không phải là nữ minh tinh có sự nghiệp lừng lẫy nhất, cũng khó có thể coi là nữ danh ca với bảng thành tích dày dặn nhất. Tính "iconic" của Jane Birkin là sự tổng hòa của nhiều yếu tố kì lạ đến từ vẻ đẹp vật lý cho đến tính cách và số phận của bà. Để hình dung một cách cụ thể, bạn có thể nhớ tới trào lưu Hippie khởi nguồn tại Hoa Kỳ vào thập niên 1960s rồi lan rộng ra toàn cầu. Sự nữ tính, ngây thơ và tự do của trào lưu này được thể hiện trữ tình, tinh tế nhất chính là qua Jane Birkin. 

Khác với những hình tượng phồn thực quyến rũ thường thấy của phụ nữ Pháp vào thập niên 1960s - 1980s, Jane Birkin có vóc người cao gầy, ngực phẳng. "Tại trường nội trú, tôi bị chọc ghẹo là đứa nửa trai, nửa gái. Trước khi gặp Serge, tôi cảm giác mình phải chịu đựng rất nhiều áp lực của xã hội khi ấy bởi chính ngoại hình của mình. Serge đã thay đổi tôi bằng tình yêu của ông ấy và khiến tôi tin rằng mình có sức hút và có thể gợi tình như những cô đào khác". 

Hẳn nhiên, cuộc tình giữa Jane Birkin và Serge Gainsbourg cũng trở thành một câu chuyện mang tính biểu tượng trong văn hóa đại chúng (pop culture). Hai người họ đại diện cho sự bất cần, viễn du lơ đễnh trong nghệ thuật nhưng cùng lúc thấm đẫm sự hoài niệm, buồn bã của cồn, các loại chất kích thích và bản ngã của người nghệ sĩ đích thực. 

Cùng với nhau, Jane và Serge để lại di sản là những bộ phim cùng hợp tác, những bản song ca nơi giọng hát mỏng tang của Jane được tỏa sáng, những lần làm văn mẫu cho thế hệ sau về phong cách thời trang "effortlessly cool" và một người con gái Charlotte Gainsbourg (một nữ diễn viên, biểu tượng thời trang đình đám của Pháp cho đến tận bây giờ). Dù sau đó, Jane rời bỏ Serge vì chứng nghiện rượu và tính cách thất thường của ông, thì mối tình giữa hai người vẫn là một giá trị vô hình được lãng mạn hóa trong tiềm thức của công chúng. 

Jane Birkin: "Nàng thơ Hermès" và một cuộc đời viễn du cùng thời trang & nghệ thuật  - Ảnh 4.

Cũng có thể bởi phức cảm về ngoại hình trong những năm tháng đầu đời, Jane Birkin thường lựa chọn trang phục rộng rãi, những món đồ của nam giới blazer, jeans, blouse… để xây dựng tính cá nhân trong phong cách hay đơn thuần chỉ vì đó là những món đồ giúp bà thấy tự tin nhất. 

Vô hình chung, giữa thời kì của những chiếc váy flapper, new look hay những mẫu đầm thướt tha thời kì Golden Age vàng son của điện ảnh thế giới, Jane Birkin và lối phục sức lạ lùng của mình (mặc những chiếc quần hay blazer của nam giới rồi sử dụng thắt lưng buộc túm lại tạo ra dáng đanh, phom đứng như những chiếc túi giấy craft) lại trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho công chúng và thế hệ sau. 

"Tôi nghĩ, có lẽ là khi bạn mặc những món đồ của lũ con trai (boy clothes) có size số to rộng hơn vóc người thực của bạn, bạn sẽ dễ dàng tạo được phong cách riêng cho mình. Đến một độ tuổi nhất định, váy áo điệu đà cũng giống như phấn son trang điểm vậy. Bạn nên từ bỏ chúng để tìm tới những thứ tiện dụng, thoải mái hơn. Khi mặc quần áo của nam giới, tôi thấy mình dễ chịu, đặc biệt cảm giác này càng ngày càng rõ rệt khi tôi già đi. Khi bạn già đi, bạn không còn muốn trang điểm tô vẽ quá nhiều, không còn muốn gắn mi giả cầu kì nữa. Quần áo cũng vậy" - Jane Birkin. 

Nhắc lại câu nói ở tiêu đề: Thật khó lòng tưởng tượng được rằng: một biểu tượng phong cách kinh điển trong  văn hóa đại chúng như Jane Birkin lại có rất ít tương tác với ngành công nghiệp thời trang. Cột mốc chính thống mà nhiều người biết tới bà nhất chính là huyền thoại về chiếc túi Birkin. Thi thoảng, Jane Birkin có tham gia làm khách mời danh dự một số show diễn của Hermes, Saint Laurent Paris… cùng các con gái của mình. Vào năm 2016, bà trở thành một trong những gương mặt đại diện cho chiến dịch quảng bá Le Smoking suit được chính Hedi Slimane cầm máy chụp. 

Jane Birkin - một cuộc đời viễn du cùng thời trang & nghệ thuật  - Ảnh 7.

Jane Birkin là gương mặt chiến dịch Le Smoking của Saint Laurent

Tới tận năm 2022, Jane Birkin mới có cú bắt tay hợp tác đầu tiên với thương hiệu A.P.C cho ra mắt một BST đặc biệt được gợi cảm hứng từ tủ quần áo và phong cách của bà. Người xưa có câu "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ". Jane Birkin không phải kẻ khù khờ nhưng chắc chắn bà không phải là một người tâm cơ, đau đáu với thời trang nói riêng hay văn hóa đại chúng nói chung. Sự xuất hiện lãng đãng của Jane cùng tính cách pha trộn hài hòa giữa gốc Anh, sống Pháp của bà có lẽ là một sự đúng người đúng thời điểm. 

Bà chưa bao giờ trì kéo thời trang hay níu giữ lấy danh tiếng của bản thân trong những thập niên qua. Tất cả giống như một cuộc dạo chơi hồn nhiên của Jane cũng sự lựa chọn bản năng về những điều xảy đến trong cuộc sống của bà; vô hình chung lại biến mọi thứ tầm thường trở nên đặc biệt. Và thời trang của ngày hôm nay, một cách khờ dại, lạc quan nhất lại được xây dựng nên bởi những hình tượng như Jane Birkin - những tâm hồn nhìn thấy những điều lạ lùng, phi thường trong cuộc sống tẻ nhạt hàng ngày và luôn có mong muốn, động lực mãnh liệt được thể hiện những điểm nhìn đó bằng thứ ngôn ngữ phổ quát bậc nhất - thời trang. 

Jane Birkin: "Nàng thơ Hermès" và một cuộc đời viễn du cùng thời trang & nghệ thuật  - Ảnh 7.

Dù ít tiếp xúc, dù chỉ là cuộc dạo chơi tình tứ qua nhiều thập niên nhưng khi rời bỏ thế giới này, Jane Birkin vẫn khiến người ta nuối tiếc thương nhớ vô cùng như cái cách giọng hát pha trộn nửa Anh nửa Pháp của bà đã bỏ bùa cả thế giới vào năm 1969 trong bản song ca trứ danh je t'aime moi non plus - bản song ca bà hát cùng chồng cũ Serge Gainsbourg. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn