Kẻ cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy bị phạt 200 nghìn đồng: Cần sửa luật!

13:38 | 19/03/2019;
Đó là quan điểm của nhiều chị em cũng như chuyên gia, luật sư xung quanh vụ việc người đàn ông sàm sỡ, ép hôn cô gái trẻ trong tháng máy ở Hà Nội chỉ bị xử phạt 200 nghìn đồng.

Hơn 10 ngày sau khi sự việc xảy ra, cô gái trẻ P.T.V vẫn chưa hết hoang mang, sợ hãi, trong khi đó Đỗ Mạnh Hùng - người gây ra sự việc - chỉ bị xử phạt 200 nghìn đồng. Mức phạt này được áp dụng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Dư luận cho rằng, mức xử phạt đó quá nhẹ và hoàn toàn không đủ sức răn đe.

 

“Phạt nhẹ thế, ai cũng sợ khi vào thang máy”

Sau khi mức phạt này được công bố, nhiều chị em phụ nữ đã phản ánh những ý kiến bất bình tới Báo PNVN. Có nhiều ý kiến lo ngại, việc xử phạt quá nhẹ sẽ khiến những người đàn ông biến thái ung dung thực hiện hành vi quấy rối với phụ nữ.

“Hành vi sàm sỡ phụ nữ mà bị phạt như thế thì không còn gì để nói, nếu không phạt nặng thì lần sau người nào cũng làm như vậy ngoài đường rồi đem nộp phạt 200 nghìn đồng là xong”, chị N.T.L (Q.Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ.

 

cuong-hon.jpg
Nhiều phụ nữ cảm thấy sợ hãi khi vào thang máy sau khi kẻ biến thái chỉ bị phạt hành chính 200 nghìn đồng

Ý kiến khác thì cho rằng cách xử phạt là hời hợt, chưa triệt để. Với mức phạt này họ lo ngại những kẻ đồi bại sẽ mặc sức tung hoành, những sự việc tương tự sẽ tăng lên. “Quyền con người cũng như quyền phụ nữ không được bảo vệ, ai cũng sẽ run sợ mỗi khi bước vào thang máy hay đi ra đường. Đó thực sự là nỗi ám ảnh”, chị Kim Thùy (Hà Nội) lo lắng.

Nhiều ý kiến lại cho rằng, cần tăng mức phạt hành chính thật nặng đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung là yêu cầu xin lỗi công khai tại nơi xảy ra sự việc, thậm chí dán ảnh đối tượng đồi bại ở khu vực đó để cảnh báo mọi người.

 

Cần điều chỉnh quy định của pháp luật

TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứ phát triển xã hội, cho rằng, việc xử phạt như vậy cho thấy sự bất lực của pháp luật. “Hành vi này được xử lý theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử lý trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội. Quy định này đưa ra mức xử phạt quá thấp. Do vậy không có tính giáo dục răn đe và thậm chí phản tác dụng, khiến cho dư luận bức xúc. Nó khiến cho người ta có cảm giác thà đừng phạt còn hơn. Phạt xong đưa lên như thế này chẳng khác gì trò cười, như là một sự nhạo báng, làm nhục phụ nữ thêm một lần nữa. Đây không phải chỉ là một cá nhân, một cô gái đấy mà rõ ràng đây là đối với phụ nữ nói chung”.

Đè đồng nghiệp lên bàn làm việc bị phạt… 200 nghìn đồng

Đó là mức phạt mà Công an huyện Triệu Phong (Quảng Trị) dành cho Nguyễn Bình Triệu, người đã có hành vi quấy rồi, đè nữ đồng nghiệp trên bàn làm việc, cắn rách môi nạn nhân xảy ra vào năm 2018. Trước đó, chị L.A (chuyên viên phòng Tài chính-Kế toán huyện Triệu Phong) đã có đơn tố cáo vào khoảng 10h sáng 21.6, trong lúc chị đang ở phòng làm việc một mình (tầng 2, trụ sở Phòng Tài chính -Kế hoạch) thì Nguyễn Bình Triệu (đồng nghiệp) đi vào rồi khép cửa lại. Sau đó, ông Triệu đã ép sát chị L.A, dùng tay sờ soạng, luồn tay vào áo, cởi cúc quần chị. Khi chị L.A tìm cách vùng chạy, thì ông Triệu chốt cửa lại rồi tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại. Tuy nhiên, chị L.A chống đối quyết liệt, nên khoảng hơn 5 phút sau, ông Triệu bỏ ra ngoài. Khi ông Triệu rời đi, chị L.A được phát hiện trong tình trạng bị sưng môi, có vết lằn ở cổ và bị cào xước ở tay.

Chính vì thế, TS Khuất Thu Hồng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sửa đổi quy định của pháp luật cụ thể hơn để pháp luật phải thực sự là công cụ trừng trị, xử lý những hành vi xâm hại danh dự và thân thể phụ nữ, trẻ em. Đối với những người thực thi pháp luật cũng cần được nâng cao nhận thức để họ làm công việc này tốt hơn.

 

4e8ts_khuat_thu_hong.jpg
TS. Khuất Thu Hồng cho rằng mức phạt 200 nghìn như là "trò hề"

Cùng quan điểm về việc cần phải sửa luật để phù hợp với thực tế, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, những hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ đã xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Hành vi quấy rối tình dục thường gây ra những hậu quả sang chấn tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực lâu dài cho nạn nhân nên pháp luật cần có những quy định, chế tài riêng, nghiêm khắc hơn, thậm chí có thể xử lý hình sự, không thể xử lý trong một chế tài đối với các hành vi như dùng lời nói trêu đùa, chọc ghẹo như hiện nay được...

“Đó là điều bất hợp lý của các văn bản pháp luật hiện nay, bởi hành vi quấy rối tình dục là hành vi có tính chất nguy hiểm cao hơn rất nhiều so với hành vi dùng lời nói trêu đùa, chọc ghẹo người khác. Vì vậy, cần nghiên cứu xem xét, điều chỉnh để có những chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với những hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục”, luật sư Hòe nêu ý kiến.

Mức phạt chưa tương xứng với hành vi

Nhìn nhận về sự việc này, bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội - cho rằng, mức xử phạt chưa tương xứng với hành vi, xử phạt quá nhẹ sẽ tạo ra tiền lệ xấu, khiến người vi phạm nhờn luật.

“Khi luật không còn phù hợp với thực tiễn, vênh với thực tiễn thì cần phải điều chỉnh, sửa đổi. Tôi đề nghị cần phải sửa đổi mức xử phạt đối với hành vi quấy rối, xâm phạm phụ nữ, chứ không thể để mức phạt nhẹ như vậy”, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn