6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Kế hoạch đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm:
1- Chuyển đổi cơ cấu, mô hình phát triển kinh tế vùng theo hướng tập trung đầu tư phát triển các ngành có lợi thế; nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối phát triển vùng;
2- Phát triển kết cấu hạ tầng vùng từng bước đồng bộ, hiện đại, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ; hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu;
3- Phát triển hành lang kinh tế kết nối Tây Nguyên - Đông Nam Bộ và khu vực Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ theo Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2024, bao gồm các hành lang kinh tế (i) Theo tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước - Bình Dương) và đường Hồ Chí Minh; (ii) Hành lang kinh tế Đông - Tây (hành lang kinh tế Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn); (iii) Hành lang kinh tế Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa; (iv) Hành lang Dầu Giây - Liên Khương - Nha Trang; (v) Hành lang Bu Prăng - Gia Nghĩa - Bảo Lộc - Bình Thuận - Ninh Thuận.
4- Phát triển khu vực đô thị động lực và khu vực nông thôn
5- Quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn, phục hồi làm giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên nước, tài nguyên rừng.
6- Về quốc phòng, an ninh.
Trong đó, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng và từng tiểu vùng; tập trung phát triển các cây trồng chủ lực.
Hình thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp vùng và hành lang kinh tế; liên kết các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giữa các địa phương.
Phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế rừng, khuyến khích trồng rừng sản xuất ở những nơi có điều kiện phù hợp về đất đai, tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản; phát triển cây dược liệu và các loại lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; tiếp tục phát triển bền vững các vùng nguyên liệu đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến lâm sản và các loại lâm sản ngoài gỗ; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ bán tín chỉ carbon.
Ngành công nghiệp: Ưu tiên phát triển và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường; gắn với lợi thế về nguồn nguyên liệu trong vùng, tăng cường liên kết hiệu quả với công nghiệp tiểu vùng Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia để mở rộng thị trường cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường đầu tư của các doanh nghiệp công nghiệp sang các nước Lào và Campuchia.
Phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững, chuyên ngành đặc biệt về lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, được gắn với các đô thị trung tâm và hành lang kinh tế; phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxite, alumin và nhôm (tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng); phát triển công nghiệp cơ khí, dệt may, hóa chất, dược phẩm và sản xuất phân bón, phân vi sinh tại các tỉnh thuộc vùng; phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện áp mái) phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và điều kiện tự nhiên; ưu tiên phát triển tại tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.
Ngành dịch vụ: Phát triển ngành dịch vụ trong mối quan hệ tương hỗ phát triển với các ngành nông nghiệp, công nghiệp; tập trung phát triển thị trường cung ứng và tiêu thụ trong vùng và ngoài vùng theo các hành lang kết nối vùng và với cảng biển lớn ra các thị trường quốc tế; đẩy mạnh hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa qua biên giới trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng ở một số cửa khẩu quốc tế: Bờ Y (tỉnh Kon Tum), Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai), Đắk Peur (tỉnh Đắk Nông) để thúc đẩy giao thương với Lào và Campuchia.
Phát triển dịch vụ logicstics gắn với trung tâm vùng và hành lang kinh tế kết nối các hoạt động thương mại trong nội vùng, liên vùng hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất gắn với các thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng các trung tâm thương mại, khu thương mại - dịch vụ, trung tâm hội chợ - triển lãm tại các đô thị lớn, trung tâm vùng, tiểu vùng.
Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch đặc thù theo các địa bàn trọng điểm, gắn với di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống; tăng cường liên kết với các tỉnh vùng Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ và liên kết du lịch giữa năm tỉnh Tây Nguyên một cách toàn diện, đồng bộ.
Kết cấu hạ tầng: Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, trên cơ sở phù hợp các quy hoạch ngành giao thông vận tải được cấp có thẩm quyền phê duyệt (quy mô, tiến trình đầu tư) và phát huy lợi thế của các phương thức vận tải, bảo đảm kết nối nội vùng và liên vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế, giảm chi phí vận tải;
Phát triển mạng lưới thủy lợi theo hướng hiện đại, chủ động cấp, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh; hoàn thành xây dựng và nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đập dâng lớn bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân phù hợp với Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát triển hạ tầng năng lượng theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện mạng lưới điện trên địa bàn vùng đồng bộ, hiện đại theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt theo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vùng Tây Nguyên tập trung thực hiện 3 trụ cột của chuyển đổi số gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, phù hợp với Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội đồng bộ trên địa bàn vùng bao gồm mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trợ giúp xã hội, mạng lưới cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, mạng lưới khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạ tầng thương mại và logistic, hạ tầng báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn