Kẽ răng bị đen là nguyên nhân gây ảnh hưởng thẩm mỹ, mất tự tin và đôi khi nó còn có thể là dấu hiệu phản ánh một số bệnh lý cảnh báo sức khỏe răng miệng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến kẽ răng bị đen và cách khắc phục khi tình trạng này xảy ra như thế nào?
Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng kẽ răng bị đen, trong đó bao gồm cả những nguyên nhân bệnh lý răng miệng. Những nguyên nhân kẽ răng bị đen thường gặp có thể kể đến như:
- Vệ sinh răng miệng kém
Vùng kẽ răng là khu vực rất dễ bị bỏ sót khi vệ sinh răng miệng. Chải răng không đúng cách và không sử dụng chỉ nha khoa khiến vùng kẽ răng không được làm sạch. Lâu ngày, vụn thức ăn không được làm sạch ở khu vực này sẽ tích tụ lại, tạo thành các mảng bám trên bề mặt răng. Những mảng bám này bị nhuộm màu do màu có trong thực phẩm, đồ uống,... hoặc do sự phát triển của vi khuẩn và hậu quả là khiến kẽ răng bị đen.
- Hút thuốc lá
Ngoài khiến hệ hô hấp của người hút thuốc bị tổn thương thì nicotin trong khói thuốc còn khiến răng trở nên ố vàng. Thời gian sử dụng thuốc lá càng lâu thì sự đổi màu răng càng nghiêm trọng. Đặc biệt là ở các vị trí khó vệ sinh sạch sẽ như kẽ răng, mặt trong của răng,...
- Do thuốc kháng sinh
Sử dụng thuốc kháng sinh tetracyclin khi trẻ còn quá nhỏ và trong thời gian dài dễ gây nên tình trạng thay đổi màu sắc răng, bao gồm cả kẽ răng bị đen. Tuy nhiên, đen răng do sử dụng thuốc kháng sinh là bởi thuốc kháng sinh bị ngấm vào các cấu trúc của răng và làm thay đổi màu sắc. Nó khác biệt với tình trạng kẽ răng bị đen do các nguyên nhân khác chỉ gây nên sự biến đổi màu sắc ở bề mặt ngoài của răng.
- Do bệnh lý răng miệng
Do khó vệ sinh nên khu vực kẽ răng cũng rất hay xảy ra bệnh lý sâu răng. Lúc ban đầu các lỗ sâu răng có màu trắng và phải quan sát rất kỹ mới có thể nhận thấy. Nhưng theo thời gian, các lỗ sâu răng ăn sâu và lan rộng, đồng thời màu sắc cũng bị biến đổi và trở nên sẫm màu hơn, kẽ răng bị đen xảy ra.
Đọc thêm:
- Sau khi lấy cao răng nên kiêng gì? Cần lưu ý gì sau khi lấy cao răng?
- Hướng dẫn cách cầm máu sau khi nhổ răng tại nhà hiệu quả tức thì
Khi kẽ răng bị đen xảy ra, hậu quả đầu tiên và dễ thấy nhất đó chính là sự mất thẩm mỹ khiến cho người bệnh cảm thấy mất tự tin khi giao tiếp với người khác.
Điều này có thể gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của người mắc kẽ răng bị đen. Ngoài ra, hôi miệng cũng là biểu hiện rất thường hay gặp phải cùng với kẽ răng bị đen. Điều này được lý giải là bởi sự tích tụ các mảng bám thức ăn thừa và sự phát triển của vi khuẩn, khiến hơi thở của người bệnh có mùi khó chịu.
Trong các trường hợp khác khi mà kẽ răng bị đen là biểu hiện của các vấn đề bệnh lý răng miệng như sâu răng,... Nếu không được quan tâm, phát hiện và chẩn đoán sớm thì bệnh có thể diễn tiến nặng khiến các lỗ sâu răng ăn sâu vào hốc tủy, gây chết tủy.
Nếu phát hiện có tình trạng kẽ răng bị đen, tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên và mức độ tổn thương răng mà bác sĩ sẽ có các lời khuyên điều trị thích hợp đối với người bệnh. Những phương pháp điều trị kẽ răng bị đen thường dùng bao gồm:
- Lấy cao răng
Nếu người bệnh bị đen kẽ răng do các mảng bám thức ăn hình thành cao răng thì lấy cao răng là phương pháp được chỉ định. Nhờ các dụng cụ lấy cao răng chuyên dụng mà răng vừa được trả lại bề ngoài trắng sáng và còn có thể phòng tránh được một số bệnh như viêm nha chu,...
- Điều trị sâu răng
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương do sâu răng ở người bệnh mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Với các lỗ sâu răng nhỏ thì sẽ được trám lại lỗ sâu nhờ các vật liệu đặc biệt. Còn với các lỗ sâu lớn hơn thì có thể áp dụng các phương pháp như bọc răng sứ, hoặc thậm chí nhổ răng nếu cần thiết,...
- Tẩy trắng răng
Tẩy trắng răng thường là phương pháp lựa chọn cho các trường hợp kẽ răng bị đen do các yếu tố từ bên trong chẳng hạn như thuốc kháng sinh, di truyền,... Ngoài ra, người bệnh cũng có thể lựa chọn bọc răng sứ để để điều trị.
Để ngăn ngừa kẽ răng bị đen và cách hậu quả do kẽ răng bị đen gây nên, cách hiệu quả nhất là thực hiện các biện pháp dự phòng một cách tích cực.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách: Cần phải vệ sinh răng miệng đúng cách, đúng kỹ thuật. Khi vệ sinh răng miệng cần chú ý làm sạch vùng kẽ răng bằng bàn chải và chỉ nha khoa để loại bỏ sạch sẽ các mảng bám còn sót lại.
- Hạn chế hút thuốc lá: Hạn chế hút thuốc lá giúp giảm nguy cơ bị đen kẽ răng cũng như các bệnh lý hô hấp khác do thuốc lá gây nên.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc: Nếu phải sử dụng thuốc kháng sinh tetracyclin thì nên thảm khảo kỹ ý kiến của bác sĩ. Tránh sử dụng thuốc trong thời gian kéo dài khiến răng bị đen.
- Khám nha sĩ thường xuyên: Tuân thủ lịch khám nha sĩ định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề răng miệng như sâu răng,... Từ đó đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp để xử trí bệnh sớm nhất có thể.
Trên đây là một số thông tin về tình trạng kẽ răng bị đen cũng như các cách điều trị có thể áp dụng. Nếu có thêm thắc mắc, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải thích đầy đủ và cụ thể hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn