“Mong chị kế toán ở bên đó, luôn mạnh khoẻ và luôn vui” - câu rap vui của Đen Vâu luôn trở nên viral vào mỗi dịp cuối năm, cận Tết bởi thời điểm này, các kế toán viên là người được “réo tên” nhiều nhất và cũng là người bận rộn nhất với rất nhiều con số, báo cáo, thống kê,...
Hầu hết cuối năm công việc nào cũng sẽ bận rộn hơn ngày thường và mỗi ngành nghề sẽ có một đặc thù riêng. Đối với những ai đang làm công việc kế toán đều cho rằng khoảng thời gian này vô cùng quan trọng và yêu cầu tinh thần trách nhiệm cao. Bởi thời điểm gần Tết, kế toán không chỉ “chốt sổ” cho năm cũ mà còn phải lập kế hoạch, báo cáo tài chính, dự trù thu chi cho năm mới.
“Cuối năm luôn là quãng thời gian cực kỳ bận rộn với mình. Các công việc năm cũ cần hoàn thành như quản lý, báo cáo tài chính, quyết toán thuế, đối chiếu công nợ, kiểm kê tài sản và đối chiếu xác nhận số dư ngân hàng. Sau đó, mình cũng phải lên kế hoạch tài chính của năm tiếp theo. Liên tục “quay cuồng” với những con số là vậy nhưng mình cũng cần phải hỗ trợ thêm nhân sự trong công ty hoàn thành việc kiểm kê, nộp thuế,... Rất nhiều đầu việc vào cuối năm nên dường như mình làm việc mà không nghỉ ngơi chút nào”, Lương Thị Linh (30 tuổi) đã làm kế toán gần 10 năm chia sẻ.
Linh cũng cho biết thêm những dịp cận Tết như này mọi thứ đều yêu cầu phải chính xác và nhanh chóng nên áp lực hơn so với mọi khi. Gần như ngày nào cô cũng phải làm thêm giờ, tranh thủ từ giờ nghỉ trưa, ở lại muộn so với giờ hành chính để làm việc. Đôi khi, ngày nghỉ cuối tuần cũng phải dành ra để làm việc mới xong kịp tiến độ.
Giống như Linh, Huyền Bùi (30 tuổi) tính đến hiện tại đã có 8 năm kinh nghiệm trong nghề. Cô cho biết thường cuối năm sẽ phát sinh khá nhiều chi phí, doanh thu. Do đó, kế toán sẽ là người đảm nhận trách nhiệm chính khi phải cập nhật các công việc thường xuyên, tổng hợp doanh thu và đương nhiên là người kiêm nhiệm luôn báo cáo các tháng, quý và năm.
Huyền Bùi chia sẻ: “Bản thân mình sẽ cố gắng, tập trung làm mọi việc trong giờ làm. Nhưng 1-2 tuần cuối của năm và 1-2 tuần cuối tháng 3 là những thời điểm quan trọng, mình sẽ phải làm thêm giờ nếu chưa xong việc. Muộn nhất sẽ là 8h tối mình mới từ văn phòng trở về nhà”.
Cũng theo Huyền Bùi, cô cho hay kế toán là một trong những nghề áp lực nhất. Bởi họ là những người phải chịu trách nhiệm về số liệu trước sếp, đối tác và cả trước pháp luật. “Hơn nữa, khối lượng chứng từ lớn, các quy định pháp luật liên quan đến kế toán cũng thay đổi và cập nhật thường xuyên. Nên trong nghề chúng mình thường gọi vui là ‘vai mang thông tư, đầu đội chứng từ’. Dù cẩn thận đến đâu, mình thỉnh thoảng cũng sẽ có sai sót trong công việc nhưng rất may đều có phương án giải quyết được”, Huyền Bùi nói.
Tuy nhiên nói về thu nhập, Huyền Bùi cho biết công việc vất vả nhưng lương thấp: “Mình thấy theo mặt bằng chung thu nhập của kế toán thường không cao. Lý do chính có lẽ kế toán không phải bộ phận tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có 1 nhóm các anh chị em có mức lương rất tốt khi làm trong các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài hoặc các doanh nghiệp sản xuất, công nghệ”.
Chị Huyền tiết lộ, mức lương kế toán phụ thuộc nhiều vào mảng công việc, vị trí đang làm. “Với vị trí của mình, mặt bằng lương chung sẽ khoảng 8 chữ số/tháng. Còn cuối năm, công ty mình chỉ có thưởng lương tháng 13, bằng 1 tháng lương”, Huyền Bùi bật mí.
Còn Lương Thị Linh cho rằng, để tồn tại lâu trong nghề cần nhiều sự cố gắng và tỉ mỉ để đối mặt với các vấn đề sổ sách, giấy tờ. Mỗi tình huống sai sót xảy ra sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý và cũng khiến bản thân những người làm kế toán áp lực và căng thẳng hơn rất nhiều.
Chia sẻ về mức lương hiện tại, cô thẳng thắn cho hay: “Tùy vào tính chất công việc của kế toán để có thể đưa ra mức lương phù hợp. Bản thân mình nhận thấy công việc của kế toán rất vất vả nhưng mức lương nhận được chưa thực sự thích đáng. Ví dụ, đã công tác trong ngành kế toán được 9 năm, nhưng mức lương theo hệ số và mức lương cơ bản theo quy định vẫn ở bậc 5 hệ số 2,66. Ngoài ra thưởng lễ Tết đều ở mức thấp, không quá cao như các ngành nghề khác. Lương cứng hiện tại của mình đang là 6 triệu/tháng”.
Hay như chị Thanh Hà, có 19 năm kinh nghiệm trong nghề kế toán cũng công nhận dù việc bận rộn, vất vả nhưng mức lương không như nhiều người vẫn nghĩ. “Chủ yếu làm kế toán sẽ ít được thưởng hoặc có thưởng cũng không nhiều bằng các bộ phận khác. Dẫu vậy, bản thân mình vẫn kỳ vọng vào lương tháng 13 và thưởng Tết”, chị Thanh Hà nói.
Có nhiều vất vả trong nghề nhưng hầu hết mọi người đều quan niệm mỗi ngành nghề đều sẽ có những mặt hạn chế riêng. Làm kế toán tuy bận rộn, lương không cao nhưng cũng có nhiều niềm vui riêng. Hơn nữa, nhiều người cho rằng một khi đã làm kế toán sẽ gắn bó rất lâu năm.
Lương Thị Linh chia sẻ: “Thấy làm căng thẳng quá mọi người cũng hay hỏi nếu bắt đầu lại, có chọn theo nghề này không, mình vẫn trả lời là có. Bởi đây là công việc mà mình rất yêu thích và dành nhiều tâm huyết khi làm. Tuy nhiên mình cũng hy vọng sẽ có những cơ chế thay đổi về lương, thưởng để phù hợp hơn với công sức và nỗ lực đã dành ra”.
Còn đối với Huyền Bùi, cô cho biết bản thân là người rất thích làm việc với số liệu nhưng không hợp làm việc với chứng từ. Tuy nhiên, làm kế toán tính đến nay đã 8 năm, Huyền Bùi vẫn cảm thấy hài lòng với công việc này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn