Hầu hết mọi người khi được hỏi rằng đâu là nền văn minh cổ đại nổi tiếng nhất trong lịch sử châu Phi, chắc chắn họ sẽ nhanh chóng trả lời là Ai Cập. Nhưng trên thực tế, nếu coi nền văn minh Ai Cập cổ đại là một dòng dõi lâu dài, không gián đoạn của các Pharaoh cai trị bờ sông Nile trong hàng thiên niên kỷ thì lại là một sai lầm.
Ngày nay, chúng ta biết được rằng có 3 thời kỳ mà Ai Cập thực sự có thể được coi là một vương quốc thống nhất, được gọi là Cổ Vương quốc, Trung Vương quốc và Tân Vương quốc. Giữa các gia đoạn này là hàng thế kỷ đấu đá nội bộ và hỗn loạn được gọi là Thời kỳ Chuyển tiếp.
Ngay cả 3 thời kỳ thống nhất của Ai Cập cổ đại, người Ai Cập cũng không có toàn quyền kiểm soát sông Nile. Đặc biệt là trong thời kỳ Trung Vương quốc, họ phải đối mặt với sự cạnh tranh đáng kể từ một nước láng giềng phía nam, một nền văn mình còn tồn tại lâu hơn cả dòng dõi Pharaoh: Kerma.
Được đặt tên theo thành phố thủ đô của họ, nền văn minh Kerma nằm ở Sudan ngày nay, phát sinh cách đây khoảng 5.500 năm. Trên thực tế, hiện tại Kerma là một trong những địa điểm khảo cổ lớn nhất ở Nubia cổ đại.
Đã có rất nhiều cuộc khai quật và nghiên cứu xung quanh khu vực, dẫn đến việc phát hiện ra nhiều ngôi mộ và khu dân cư của thành phố chính. Những khám phá gần đây hơn về các khu định cư Kerma khác cho thấy khi ở thời kỳ đỉnh cao, nền văn minh này đã vô cùng phát triển và ít nhất cũng có kích thước bằng Ai Cập cổ đại.
Nền văn minh Kerma đã từng kiểm soát hơn 200 dặm (322 km) thượng nguồn sông Nile. Thủ đô của họ sở hữu một ngôi đền khổng lồ ở trung tâm, họ cũng có thể làm ra những đồ tạo tác có thể sánh ngang với bất kỳ thứ gì do Ai Cập sản xuất vào thời điểm đó.
Trước khi Kerma trỗi dậy, khu vực này được cai trị bởi vương quốc Naqada. Các vị vua Naqada được coi là tiền thân của các Pharaoh đầu tiên của Ai Cập, họ nuôi tham vọng chinh phục Nubia và cai trị toàn bộ lãnh thổ dọc theo chiều dài sông Nile.
Về mặt này, họ đã thành công trên diện rộng, thành lập Vương quốc cổ Ai Cập và kiểm soát phần lớn sông Nile cho đến khoảng năm 2.400 trước Công nguyên. Nhưng với sự sụp đổ của Cổ Vương quốc, quyền kiểm soát đối với phần phía nam của sông Nile đã bị suy yếu và sau đó bị mất.
Phần lớn các ghi chép liên quan đến các thời kỳ giữa các vương quốc Ai Cập vĩ đại là vô cùng rời rạc, nhưng có vẻ như Kerma đã di chuyển vào các khu vực bị bỏ hoang ở phía nam sông Nile. Khi Ai Cập đã ổn định trở lại - năm 2.000 trước Công nguyên thì Kerma đã trở thành một vương quốc vô cùng lớn mạnh.
Do đó, các Pharaoh của Ai Cập mới thống nhất đã phải chấp nhận sự tồn tại của Kerma và coi đây là một quốc gia ngang hàng với mình. Các liên kết thương mại của hai quốc gia này cũng theo đó mà được thiết lập. Đặc biệt là đồ trang sức và đồ gốm sứ xanh lam, cũng được xuất khẩu khỏi Kerma dọc theo chiều dài của sông Nile.
Nhưng ký ức về những vùng đất đã mất của họ không bao giờ bị người Ai Cập lãng quên, và các Pharaoh của Ai Cập coi những vùng đất ở phía nam là lãnh thổ bị chiếm đóng và thuộc về họ một cách hợp pháp.
Từ những dữ liệu khảo cổ, chúng ta cũng biết được rằng các cuộc đụng độ ở biên giới Ai Cập-Kerma diễn ra rất thường xuyên, nhưng cả hai bên đều tránh những trận đánh quyết liệt, mỗi bên đều cảm thấy sợ hãi sức mạnh của bên còn lại. Cả người Kerma và người Ai Cập đều không thể xâm nhập đáng kể vào lãnh thổ của nhau, bởi tương quan sức mạnh của hai bên là khá tương đồng.
Mặc dù Kerma là một quốc gia có các tuyến đường thương mại phát triển và khả năng tiếp cận tốt với các nguồn tài nguyên của châu Phi cận Sahara. Nhưng đối với họ, mối đe dọa về một Ai Cập hiếu chiến vẫn luôn hiện diện ở phía bắc.
Trung Vương quốc Ai Cập cũng là thời kỳ tồn tại ngắn nhất trong ba thời kỳ hoàng kim của Ai Cập, kết thúc vào khoảng năm 1.800 trước Công nguyên. Trong những thập kỷ và thế kỷ sau đó, Ai Cập suy yếu do đấu đá nội bộ giữa các triều đại, và Kerma đã tìm cách tận dụng lợi thế này.
Để có thể tận dụng tối đa lợi thế của mình, vào năm 1.650 trước Công nguyên, người Kerma đề xuất liên minh với người Hyksos để bao vây và tiến đánh Ai Cập.
Kết quả là họ đã chiến thằng và mở ra giai đoạn lần đầu tiên Ai Cập được cai trị bởi các Pharaoh "nước ngoài". Trong khi người Hyksos cai trị vùng châu thổ sông Nile và phần phía bắc của Ai Cập thì vương quốc Kerma đã chiếm toàn bộ phía nam sông Nile cho riêng mình.
Lúc này, quyền lực của những hoàng gia Ai Cập cũ bị đẩy xuống một lãnh thổ nhỏ xung quanh thủ đô Thebes trước đây của họ. Người dân Thượng Ai Cập chấp nhận quyền kiểm soát của người Kerma và mở ra một kỷ nguyên "vàng" cho vương quốc Kerma.
Ba giai đoạn của vương quốc Kerma
Vương quốc Kerma có thể được chia thành ba giai đoạn, được gọi là Kerma Sơ khai, Trung Kerma và Kerma cổ điển. Kerma Sơ khai là gia đoạn từ khoảng 2.500 TCN đến 2.050 TCN, tuy nhiên rất ít thông tin về thời kỳ này được biết đến.
Trung Kerma là từ khoảng 2.050 trước Công nguyên đến 1.750 trước Công nguyên, trong thời gian đó Kerma là đối thủ lớn của miền nam Ai Cập. Và Kerma cổ điển, được coi là thời kỳ hoàng kim của vương quốc Kerma - sau cuộc chinh phục Ai Cập của họ và người Hyksos, tồn tại từ khoảng năm 1.750 trước Công nguyên đến năm 1.500 trước Công nguyên.
Trong thời kỳ cuối cùng này của Kerma, những người cai trị đã thành công trong việc kiểm soát các pháo đài của Ai Cập và các mỏ vàng ở phía nam sông Nile. Vương quốc sau đó tiếp tục mở rộng sang lãnh thổ cho đến năm 1.500 trước Công nguyên, họ gặp Pharaoh Thutmose I.
Thutmose là Pharaoh thứ ba của triều đại thứ 18 của Ai Cập, triều đại đầu tiên của vương quốc thống nhất cuối cùng và vĩ đại nhất của Ai Cập: Tân Vương quốc.
Pharaoh Thutmose I đã dẫn đầu một đội quân đi về phía nam và tiến vào lãnh thổ Kerma, phá hủy và chiếm lấy vương quốc của họ. Ai Cập sau đó đã khôi phục lại những vùng đất bị mất của mình và người Kerma, đối thủ của Ai Cập trong nhiều thế kỷ, cũng theo đó mà diệt vong.
Nhưng trong 200 năm sau đó, người Ai Cập vẫn phải đối mặt với các cuộc nổi loạn từ tàn dư của vương quốc Kerma, những người không cho phép nền văn hóa của họ bị thôn tính bởi Ai Cập.
Nhưng những người kế vị của tàn dư vương quốc Kerma vẫn sống trong khu vực được gọi là Kush. Và nhiều thế kỷ sau, họ đã giành được chiến thắng và cai trị Ai Cập với tư cách là các Pharaoh của vương triều thứ 25.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn