Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị.
Tham dự có đại diện Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Làm cho ý Đảng hợp lòng dân
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc tham gia ý kiến của các đại biểu chính là tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của toàn dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045; góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; làm cho ý Đảng hợp với lòng dân; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động, ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Ông Trần Thanh Mẫn nhắc lại khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về văn kiện Đại hội XIII: "Văn kiện Đại hội là một văn kiện rất quan trọng, vừa mang tính lý luận cao, tính thực tiễn sâu sắc và tính chính trị chỉ đạo cho lâu dài, tồn tại mãi mãi trong lịch sử của Đảng, của đất nước, do vậy phải có tầm nhìn chiến lược; phải làm cho chặt chẽ, chắc chắn, diễn đạt cho rõ ràng, không được sơ hở gây hiểu lầm".
"Văn kiện phải có tính quần chúng, giản dị, ai đọc cũng hiểu…, viết sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra. Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác phải lấy đó làm hồn cốt, làm gốc, không được trùng lắp, nhưng cũng không được trái, khác với Báo cáo chính trị. Trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, những vấn đề gì, việc nào đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh, các ý kiến thống nhất cao thì đưa vào báo cáo. Còn những vấn đề đang tranh luận, mới hoặc có nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu thận trọng, khách quan."
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điểm mới trong văn kiện lần này thể hiện sự đáp ứng những đòi hỏi khách quan, kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, cũng như từ kinh nghiệm thành công của các nước. "Nếu trước đây ta mới chỉ ghi "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh," thì lần này, dự thảo đề xuất "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh"; như vậy, đã bổ sung cả "hệ thống chính trị" bao gồm Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội," ông Trần Thanh Mẫn cho biết.
Về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, dự thảo văn kiện đã bổ sung yếu tố dân chủ, gắn vận mệnh dân tộc, đất nước vào thời đại, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại. Nội dung về xây dựng xã hội chủ nghĩa có bổ sung những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí để phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng thời, dự thảo văn kiện vẫn nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh; dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
"Từ Đại hội XI, XII chúng ta đã xác định ba khâu đột phá chiến lược là: thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Lần này, dự thảo văn kiện tiếp tục khẳng định: thể chế là hành lang pháp lý; nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển và gắn với đó là hạ tầng, kết cấu hạ tầng, nhưng trong từng giai đoạn phát triển phải xác định được nội hàm của từng khâu đột phá chiến lược đó," Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông tin.
Đánh giá cao sự vào cuộc của các tổ chức thành viên trong việc ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt những ngày qua, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới, các tổ chức thành viên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục quan tâm, theo dõi, nắm bắt tình hình để chăm lo đời sống đồng bào, đưa ra phương án phù hợp để cùng nhân dân chủ động phòng ngừa bão lũ có thể tiếp tục đổ bộ vào miền Trung; qua đó giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khi cơn lũ đi qua.
Cần bổ sung đánh giá về đội ngũ cán bộ nữ
Đánh giá về những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, cho rằng giáo dục-đào tạo có bước phát triển nhưng chậm. Lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường còn có sai sót, môi trường chưa tốt. Lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tuy đã tiếp tục được hoàn thiện song việc vi phạm của các cơ quan pháp quyền đến mức phải xử lý còn nhiều, như những vụ việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.
Góp ý vào các dự thảo văn kiện về phương hướng phát triển trong giai đoạn tới, ông Võ Sở cho rằng định hướng về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 cần đưa công nghiệp chế tạo, chế biến lên vai trò cao hơn, trong đó quan tâm sản xuất công nghiệp nặng, đầu tư vào tư liệu sản xuất, hạn chế lệ thuộc kinh tế nước ngoài.
Quan tâm tới nội dung về mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, theo ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã nhiều lần được Việt Nam xác định là khâu đột phá nhưng sự đột phá còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, do điều kiện khoa học công nghệ chưa đồng bộ nên năng suất lao động của nước ta hiện còn thấp so với một số nước trong khu vực, kéo theo thu nhập của người lao động ở mức thấp.
"Thu nhập thấp, đồng nghĩa với việc công nhân lao động phải tăng số giờ làm thêm..., làm sao công nhân có thời gian để học tập," ông Vũ Mạnh Tiêm nói.
Do đó, ông Vũ Mạnh Tiêm mong muốn nội dung về phát triển nguồn nhân lực trong dự thảo văn kiện cần thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, đào tạo, bởi khi công nhân, người lao động được học tập suốt đời, được nâng cao trình độ đào tạo thì tay nghề và thu nhập của họ mới được nâng lên.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu một số ý kiến bước đầu được tổng hợp từ các cấp Hội ở địa phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa đánh giá Các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã được chuẩn bị công phu, tổng kết đánh giá thực tiễn, có tính khái quát cao. Nhiều nhận định sâu sắc, đúc rút thành lý luận xứng tầm báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của Đại hội.
Liên quan đến vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, bà Bùi Thị Hòa cho rằng: Đối với các nhóm phụ nữ tiên phong như quản lý, lãnh đạo, trí thức, doanh nhân, văn nghệ sỹ, vận động viên..., so sánh báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc XII với dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII, văn kiện Đại hội XII có nêu: "tạo điều kiện để phụ nữ phát triển tài năng," nhưng ở phần đánh giá của dự thảo văn kiện mới chỉ đánh giá kết quả thực hiện bình đẳng giới và công tác trẻ em, không đề cập đến công tác cán bộ nữ hoặc phụ nữ tham gia lãnh đạo, mặc dù nhiệm kỳ này đã có những bước tiến đáng kể về vấn đề phụ nữ tham chính.
Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa, cần bổ sung đánh giá về đội ngũ cán bộ nữ cũng như định hướng tiếp tục phát huy tài năng nữ, nguồn lực đội ngũ cán bộ nữ trong phần IV về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người.
Trên cơ sở tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua 35 năm đổi mới, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga đánh giá: Dự thảo các văn kiện đã có nhiều điểm phản ánh tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận mới.
Các báo cáo dựa trên nền tảng kiên định với những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thể hiện sự kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc xây dựng Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Về nội dung tại phần II về Tầm nhìn và định hướng phát triển, theo Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, phần dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm tới nên phân tích sâu thêm những thuận lợi, cơ hội của bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước, như các nước chú trọng hơn tới việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, những thành tựu trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam..., qua đó từng bước khẳng định hình ảnh, vị thế của một quốc gia tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã cho ý kiến đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng về định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển một số vấn đề như: văn hóa, xã hội, con người; định hướng nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại và tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn