Kết luận vụ trộn phế phẩm cà phê, lõi pin vào tiêu để tăng trọng lượng

16:00 | 04/09/2018;
Ngày 4/9, ông Phan Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông xác nhận cơ quan Công an cùng cấp vừa hoàn tất việc điều tra, đề nghị truy tố 5 đối tượng liên quan vụ phế phẩm cà phê, cát sỏi trộn lõi pin tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông vào tháng 4/2018.
Hiện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đang xây dựng cáo trạng và tiến hành các thủ tục để truy tố, đưa ra xét xử.
 
Theo lời khai của các đối tượng liên quan, hành vi trộn hỗn hợp tạp chất cà phê, bao gồm vỏ, nhân cà phê thải loại, cát sỏi với nước pha bột pin đã diễn ra từ những cuối năm 2015 – 4/2018. Theo đó, năm 2015, Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thảo Dung (khu phố Ninh Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) mở công ty kinh doanh thu mua nông sản và thường bán hạt tiêu xô cho một số khách hàng. Các đối tác chấp nhận tỷ lệ tạp chất trong tiêu xô từ 1 -2%. Tuy nhiên, tiêu xô mà Phan Dung mua từ người dân có tỷ lệ tạp chất thấp hơn.
caphe.jpg
Hỗn hợp gồm vỏ cà phê, than pin, sỏi đá nhỏ 2-3mm đã pha trộn và sấy khô. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

 

Dung nảy ra ý định trộn thêm tạp chất vào tiêu để nâng tỷ lệ lên mức 2%. Dung liên hệ với Lê Thị Hồng Thơ, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mai Tịnh Thơ, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông tìm mua tạp chất để trộn vào tiêu nhằm bán kiếm lời. Thơ đã nhiều lần đặt hàng của Nguyễn Thị Thanh Loan và Nguyễn Xuân Bảo (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của Dung.
 
Ngày 22/4, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện và tiến hành thu giữ tại cơ sở của Dung tại tỉnh Bình Phước 9 tấn hỗn hợp tiêu đã trộn tạp chất có chứa than pin. Theo kết quả giám định cho thấy, thành phần mẫu tiêu trộn hỗn hợp gửi đi giám định tới có 18,34% tạp chất, hóa chất độc hại. Danh sách cụ thể các loại hóa chất bao gồm: bột pin chứa Mangan Dioxit; Kẽm Clorua; Amoni Clorua…
 
Căn cứ vào kết quả điều tra, hành vi của các đối tượng Nguyễn Thị Thanh Loan (sinh năm 1975); Nguyễn Xuân Bảo (sinh năm 1985); Phan Thị Dung (sinh năm 1962); Lê Thị Hồng Thơ (sinh năm 1979) và Trần Văn Tuấn (sinh năm 1976, tài xế chở hàng của Loan – Bảo giao cho Dung) là vi phạm về quy định an toàn thực phẩm theo điều 317, Bộ luật Hình sự. Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đang tiến hành các thủ tục để đưa các đối tượng ra truy tố, xét xử.
 
Cũng theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, trong quá trình làm việc với cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận từ 2015 - 2018, cơ sở của Loan - Bảo đã xuất bán 15 - 20 xe, mỗi xe có khoảng 15 - 20 tấn hỗn hợp cho Dung với giá bán từ 9.000 - 12.000 đồng/kg, trong đó Thơ hưởng chênh lệch từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do không có đủ căn cứ chứng minh hành vi này của các đối tượng, các cơ quan chức năng chỉ căn cứ trên 9 tấn hồ tiêu trộn hỗn hợp được thu giữ tại cơ sở của bà Phan Thị Dung tại Bình Phước làm cơ sở để xử lý các đối tượng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn