Kêu gọi chấm dứt bạo lực trẻ em trong gia đình và nhà trường

08:20 | 25/11/2017;
Ngày 24/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”.
Theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có khoảng 100 trẻ em bị giết hại và 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, gần 74% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha, mẹ, người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực; gần 24% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết, chồng họ đã có hành vi bạo lực đối với con.
 
 
Lễ phát động hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” là hoạt động nằm trong Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 và hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới triển khai tại Việt Nam trong 5 năm 2017-2022.
thu-truong-giao-duc-va-dao-tao-nguyen-thi-nghia-copy.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại lễ phát động sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho hay, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường là do gia đình, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, thầy cô giáo và chính bản thân trẻ em còn thiếu kiến thức cơ bản về ý thức, hành vi thực hiện pháp luật về quyền trẻ em, đặc  biệt quyền được bảo vệ, quyền được đảm bảo an toàn của trẻ…

tre-em-copy.jpg
Trẻ em giao lưu, hỏi đáp trong lễ phát động

Thứ trưởng đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường cần thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo làm một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nhà giáo. Các thầy, cô giáo thường xuyên trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn, đạo đức nhà giáo, hiểu biết và có ý thức thực hiện pháp luật, phấn đấu để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo; hết mực yêu thương, tận tình dạy dỗ, chia sẻ và quan tâm đối với học trò để làm tròn trách nhiệm cao cả của mình. Đồng thời, các bậc phụ huynh luôn mẫu mực cho con trẻ noi theo… Đặc biệt, các học sinh phải nỗ lực phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, biết giữ gìn bảo vệ bản thân và cùng giúp mọi người nói không với hành vi bạo lực bằng hiểu biết và trí tuệ của mình.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn