Khắc khoải nhớ thương trên hành trình về ga cuối

09:12 | 16/05/2018;
Tháng năm đã gieo lên con người bao nhiêu nỗi nhớ? Tháng năm đã khiến con người quên đi bao nhiêu giai điệu của thời gian? Cõi nhân gian làm sao biết được, chúng ta như con thiêu thân lao vào vòng đời, càng lớn lên, chúng ta càng đi nhiều, trải nghiệm nhiều, nhớ nhiều mà quên cũng đầy vơi theo ngày tháng.
Hình như trong mỗi chúng ta được chia ra làm hai miền: Nhớ và quên. Có khi kí ức được xếp vào đúng chỗ, cũng có khi thời gian vô tình xáo trộn tất cả để rồi một ngày, ta nhận ra kí ức đã bị tháng năm xếp nhầm vào cái nơi đáng lẽ nó không thuộc về.
 
Có những chuyện người ta muốn quên lại nhớ, cũng có những chuyện người ta muốn nhớ lại quên. Nhớ nhớ, quên quên, hai khái niệm ấy có mơ hồ hay trừu tượng gì đâu sao lắm lúc lại khiến lòng người nặng trĩu?
 
Trên hành trình cuộc đời mỗi người, có vô vàn những điều khiến lòng người khắc khoải nhớ thương. Thuở ấu thơ, ta nhớ về kẹo ngon, bánh ngọt. Lúc trưởng thành, ta lại hoài niệm nhớ nhung về những năm tháng tuổi thơ, về trò chơi quê, về cánh đồng năm cũ.
a.jpg
 
Khi người ta đã sống hơn nửa đời người, người ta lại thao thức về những va vấp mà thanh xuân đã chọn ta để thử thách trái tim kiên cường.
 
Khi con người bước đến “cái dốc bên kia của cuộc đời”, người ta lại nhớ về những thăng trầm, buồn vui, sướng khổ. Thế đấy, đời là những chuỗi nhớ nhung, mà bao giờ cũng thế, như hai thanh ray đường tàu, nỗi nhớ và niềm thương luôn song hành cùng nhau mà hành trình sống của mỗi người là hành trình của chuyến tàu cho đến khi nó về ga cuối.
 
Người ta không chỉ nhớ về những điều tươi đẹp, cảm động trong cuộc đời, lắm lúc hoài niệm kéo người ta trôi tuột về những kí ức buồn bã, đau thương trong đoạn đời đã qua. Mà buồn đau bao giờ cũng gắn liền với nước mắt.
 
Như vậy, đâu phải lúc nào người ta cũng mỉm cười và an yên trong miền nhớ ngự trị nơi trái tim mình, có giọt nước mắt lăn dài, có nỗi đau vô hình vụn vỡ. Nhớ là để khóc, để cười, để vững tâm đối mặt với những điều xưa cũ...
 
Người ta có quá nhiều thứ để nhớ, nhớ không xuể hóa ra lại quên. Quên là cách mà mỗi người thường chọn để gạt bỏ một điều gì trong trái tim mình. Phải chăng có hai dạng quên trong xúc cảm mỗi người: Cố quên và tự quên. Có đôi lần mình quên bẵng một khuôn mặt, một giọng nói, một ánh mắt nào đó đã từng là của mình trong những năm tháng thanh xuân.
 
Người ta thường bảo “Đường lâu ngày không đi sẽ mọc đầy cỏ dại; người lâu ngày không gặp sẽ trở thành người dưng”. Bởi lâu ngày không gặp, người ta mới dễ dàng quên nhau, quên cả nụ cười, cả những kí ức đẹp từng nằm gọn trong ngăn tủ của nhau, giờ đây ngủ yên trong miền quên lãng. Những điều tốt đẹp người ta thường quên đi, cớ sao những điều buồn đau, nặng lòng người ta lại nhớ hoài nhớ mãi?
goodbye-love-poems.jpg
 
Sau chia tay, người ta thường chọn cho mình một cách riêng để tạm quên bóng hình người thương cũ, đó là cố quên. Một buổi chiều bất chợt giữa phố xá đông người, nghe thấy tiếng rao bán hàng rong quen thuộc, lại nhớ ngày xưa mình cũng từng lặn lội cùng “người già của đời mình” bán hàng rong trên con đường quê hương thân thương mà bấy lâu mình đã bị cuốn xoay vào vòng đời dửng dưng quên lãng đi bóng người lom khom tóc bạc, đó là tự quên.
 
Tháng năm đã gieo lên con người bao nhiêu nỗi nhớ? Tháng năm đã khiến con người quên đi bao nhiêu giai điệu của thời gian? Cõi nhân gian làm sao biết được, chúng ta như con thiêu thân lao vào vòng đời, càng lớn lên, chúng ta càng đi nhiều, trải nghiệm nhiều, nhớ nhiều mà quên cũng đầy vơi theo ngày tháng.
 
Nhớ và quên. Thanh xuân chọn những kỉ niệm nào để xếp gọn vào hai khung cửa đó? 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn