Khắc phục tổn thương tâm lý cho trẻ bị xâm hại còn nhiều hạn chế

11:40 | 25/07/2019;
Trả lời PV Báo PNVN, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng mặc dù hiện nay đã có hệ thống hành lang pháp lý và các chương trình hoạt động để thực thi bảo vệ quyền trẻ em, song các hoạt động này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Công tác xã hội, công tác tâm lý ở trường học chưa quan tâm đúng mức
 
- Bà từng chia sẻ rằng công tác bảo vệ trẻ em chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, cụ thể ở phương diện nào?
 
Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em được Bộ LĐ-TB&XH và các bộ ngành có chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành tương đối đầy đủ. Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua năm 2016 và có hiệu lực từ năm 2017 có quy định đầy đủ và toàn diện, thể hiện trách nhiệm bảo đảm về quyền trẻ em, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc đảm bảo quyền trẻ em, trong đó có tổ chức nhân lực, bộ máy và cả dịch vụ để bảo vệ trẻ em.
 
 
nguyenthinga.jpg
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) 
 
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật còn chưa được quan tâm đúng mức khi đưa vào ứng dụng, triển khai trong cuộc sống. Nhiều địa phương chưa đầu tư quan tâm đúng mức để triển khai luật trẻ em. Khi chúng tôi đi thực tế tại một số địa phương, có nơi cho rằng việc thực thi quyền, luật trẻ em chỉ thể hiện qua các hoạt động hàng năm cung cấp học bổng, phát hàng trăm suất quà, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn để ghi vào báo cáo.
 
Tôi cho rằng công tác trẻ em là phải hiểu đúng và thực hiện đúng quy trình thông tin, thông báo tố giác, lập kế hoạch cho trẻ có yếu tố nguy cơ, nhóm trẻ bị xâm hại, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Song, ở nhiều địa phương và đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở, họ chưa tìm hiểu kỹ các quy định của hệ thống pháp luật hiện nay, chưa áp dụng các quy trình trong hệ thống, chưa có cán bộ được đào tạo, tập huấn về bảo vệ quyền trẻ em…
 
Trong khi đó, các em rất cần những sự hỗ trợ đúng, chuyên nghiệp. Trong trường hợp cán bộ chưa hiểu về quy trình bảo vệ trẻ, yêu cầu các em phải kể lại nhiều lần vụ việc xâm hại, thì các cán bộ đó vô tình khiến trẻ em bị tổn thương một lần nữa.
 
- Thực trạng việc khắc phục tổn thương tâm lý cho trẻ sau khi bị xâm hại hiện nay ra sao, thưa bà?
 
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều phương pháp, cách thức bảo đảm việc giáo dục trẻ và truyền thông tin cho trẻ, giáo dục tích cực, kỷ luật tích cực để trẻ vẫn phát triển toàn diện. Song, vẫn còn nhiều gia đình, cơ sở giáo dục sử dụng các biện pháp trừng phạt, bạo lực hoặc địa phương để xảy ra xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua. Điều này đặt ra sự cần thiết của việc phục hồi tâm lý, phục hồi những tổn thương, hậu quả do các vụ việc để lại.
 
 
485756826.jpg
Ảnh minh họa

  

Ngoài những thông tư, nội dung do ngành LĐ-TB-XH ban hành, ngành GD&ĐT cũng có những thông tư liên quan đến phát triển công tác xã hội ở trường học, công tác tâm lý ở trường học, nhưng do điều kiện khác nhau nên ở các cơ sở giáo dục chưa quan tâm đúng mức. Điển hình là việc bố trí giáo viên làm công tác xã hội trong các nhà trường đang được giao cho các thầy cô tổng phụ trách đội, giáo dục công dân kiêm nhiệm. Không có cán bộ chuyên trách, các em chưa được giúp đỡ, chưa mang lại hiệu quả khắc phục tổn thương tâm lý do các vụ bạo lực hay xâm hại gây ra.
 
Vai trò quan trọng của người mẹ
 
- Người mẹ có vai trò như thế nào trong việc giáo dục, thực hiện bảo vệ trẻ khỏi các vụ bạo lực?
 
Từ quy định của Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình cùng các văn bản khác đã ban hành, với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về Trẻ em, chúng tôi đánh giá rất cao Bộ VH-TT&DL, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có những đề án để đưa kiến thức, kỹ năng đến cho người mẹ, vai trò của người mẹ trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng, không bạo lực với con em mình.
 
 
mevacon.jpg
Người mẹ có vai trò rất quan trọng đối với việc bảo vệ an toàn cho trẻ. Ảnh minh họa

 

Năm 2019, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn là Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động, đưa ra các hoạt động truyền thông được các cấp hội quan tâm. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành như vậy, chúng tôi hi vọng công tác bảo vệ quyền trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em nói riêng sẽ tiếp tục được quan tâm thúc đẩy để trẻ được quyền thực hiện tốt hơn.
 
- Để thúc đẩy thực thi quyền trẻ em hiệu quả, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH có những chương trình cụ thể gì , thưa bà?
 
Các bộ ngành đã xây dựng, tham mưu kế hoạch rất cụ thể để có những biện pháp phòng, chống bạo lực xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống bạo lực trẻ em. Chúng tôi đặc biệt quan tâm công tác phòng chống xâm hại trẻ, từ đây trang bị những kiến thức, kỹ năng cho trẻ em và chính cha mẹ các em trong gia đình, trang bị những kỹ năng truyền thông cho cả cộng đồng và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em.
 
Đối với kỹ năng bảo vệ trẻ em, không thể thiếu vai trò của ngành giáo dục cũng như của Hội đồng đội Trung ương trong việc đưa những hình thức sinh hoạt phù hợp, quyền tham gia của trẻ.
 
Có nhiều quy định và mô hình triển khai ở địa phương rất tốt. Ngoài việc giúp các em tiếp thu kiến thức trong môi trường giáo dục, thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động đoàn đội trong nhà trường cũng sẽ giúp trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ, để trẻ tư bảo vệ mình và bạn bè.
 
- Xin cảm ơn bà!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn