-Thời gian qua có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ra sao, thưa bà?
- Bà Bế Hồng Vân: Vấn đề hỗ trợ phát triển sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề; trình ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ… Đến năm 2021 thì vấn đề phát triển thương mại miền núi, vùng dân tộc thiểu số được thể hiện rất rõ nét ở dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030.
Đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện các hoạt động phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cũng đạt được một số kết quả, nhưng vẫn khá khiêm tốn. Cụ thể, đến nay đã tổ chức được 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng; tạo được 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức được 52 sự kiện kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như các sự kiện lễ hội gắn thương mại với du lịch. Đặc biệt, đã tổ chức được 35 hội nghị tập huấn về năng lực thương mại, trong đó có tập huấn về kỹ năng thương mại, kỹ năng bán hàng - kinh doanh với sự tham gia của hơn 1.400 đồng bào dân tộc thiểu số.
- Thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là bề dầy truyền thống, có nét văn hóa đặc sắc trong các sản phẩm, chúng ta cần làm gì để khai thác thế mạnh này để phát triển thương mại cho bà con?
- Bà Bế Hồng Vân: Qua nghiên cứu và tổng hợp một số mô hình chuỗi giá trị đã thành công triển khai trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó phụ nữ dân tộc thiểu số rất có thế mạnh, là chủ thể duy trì, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Có thể chỉ ra năm yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của các chuỗi giá trị này.
Yếu tố thứ nhất là nội lực của chủ chuỗi giá trị, bao gồm: trình độ học vấn, trải nghiệm thực tế, lòng khát khao cũng như niềm tự hào về cộng đồng và văn hóa tộc người.
Thứ hai là tiếp cận kỹ thuật.
Thứ ba là khai thác tri thức địa phương qua việc phát triển sản phẩm.
Thứ tư là sự kết nối, thể hiện qua chương trình chính sách, qua chuyên gia hoặc khoa học công nghệ.
Thứ năm là phát huy truyền thống văn hóa, được tiếp cận và sử dụng qua 2 góc độ: Thứ nhất, phát huy văn hóa truyền thống thông qua phát triển du lịch cộng đồng, khai thác tài nguyên văn hóa của người dân tộc bản địa, kết hợp trải nghiệm, khám phá nghề truyền thống, ẩm thực địa phương, tham gia lễ hội cộng đồng… Thứ 2, phát huy văn hóa truyền thống thông qua marketing, đẩy mạnh nhận diện thương hiệu trên các sản phẩm…
Bên cạnh đó, một vấn đề được phát hiện và quan tâm là mối quan hệ giữa văn hóa truyền thống và phát triển chuỗi giá trị. Thông qua việc khai thác giá trị truyền thống, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho thị trường; và một khi nhận được sự công nhận của thị trường, những sản phẩm đó sẽ góp phần bảo tồn văn hóa và quảng bá truyền thống văn hóa tốt đẹp.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn