Hỏi: Vụ việc đó chỉ được phát hiện khi cha cháu bé trình báo cơ quan chức năng. Vậy, pháp luật hiện nay quy định thế nào về việc khai tử và người thực hiện hành vi khai tử đối với người đang còn sống phải chịu xử lý thế nào?
hoangthithu…83@gmail.com
Trả lời
Vụ việc người mẹ khai tử con đang còn sống vừa qua xảy ra tại phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Sau khi tìm kiếm không thấy, bố cháu bé đã đến chính quyền đề nghị có biện pháp tìm kiếm. Sau đó, lực lượng công an cùng gia đình 2 bên nội ngoại đã tìm thấy cháu bé trong tình trạng khỏe mạnh. Nguyên nhân là do người mẹ đã chủ động gửi con đến một nơi khác nhờ người chăm sóc.
Sự việc trên, dưới góc độ pháp luật, người mẹ đã vi phạm quy định về hộ tịch. Điều 33 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thời hạn và trách nhiệm đăng ký khai tử như sau: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.
Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc khai tử cho người chết; trường hợp không xác định được người có trách nhiệm đi khai tử thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký khai tử.
Về thủ tục, điều 34 quy định: Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử. Công chức tư pháp - hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Như vậy, hoạt động khai tử chỉ được thực hiện khi có người chết. Hành vi người mẹ nêu trên đăng ký khai tử cho con khi cháu bé còn sống là vi phạm pháp luật. Hành vi này chưa đến mức bị xử lý hình sự nhưng phải bị xử lý hành chính. Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 25/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã... Khoản 3 điều 41 Nghị định xử phạt hành vi làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Việc khắc phục hậu quả, trong trường hợp người bị khai tử đang còn sống, UBND cấp huyện sẽ ra quyết định hủy giấy chứng tử đã cấp sai quy định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn