Đảo đàn ông ở “đất nước của các vị thần”
“Vương quốc đàn ông” nằm trên hòn đảo Athos (Hy Lạp) với chiều rộng khoảng 6,5km và chiều dài khoảng 65km. Được người Hy Lạp gọi là núi thiêng, ngọn Athos bao quanh bởi núi non và bán đảo ở Macedonia, nằm ở phía Bắc Hy Lạp. Hiện ở nơi đây có 11 thị trấn với dân số khoảng 15 nghìn người, trong đó có tới hơn 900 người là tu sĩ, hơn chục tòa tu viện có kích thước và kiểu dáng khác nhau được xây dựng trên những vách núi cheo leo. Điều thú vị nhất ở đây không phải là những tu viện cổ kính mà là quy định “nghiêm cấm phụ nữ” được lên đảo.
Lý giải tại sao Athos lại bị cấm đối với phụ nữ trên đảo, có giả thuyết cho rằng Đức Mẹ Maria muốn biến nơi này thành khu vườn của riêng mình nên không muốn có bất cứ người phụ nữ nào bước vào. Cũng có giả thiết cho rằng, khi các thầy tu mới đặt chân lên đảo đã có mâu thuẫn với những cô gái chăn cừu nơi đây. Vì thế, sau này phụ nữ đã bị cấm đặt chân lên mảnh đất này. Thực tế, năm 1045, Hoàng đế trị vì Hy Lạp lúc đó là Constantino Monomachos đã trao quyền tự trị cho Athos, biến nơi đây thành “quốc gia tu viện” dành riêng cho dòng tu nam và tín đồ theo đạo Thiên chúa chính thống.
Để giúp các giáo sĩ và tín đồ tĩnh tâm tu hành, năm 1060, Hoàng đế lại tiếp tục ban hành một đạo luật gọi là Abaton quy định cấm phụ nữ, động vật giống cái, hoạn nhân, thậm chí cả những người không có râu đặt chân đến Athos. Hơn 900 năm qua đi, quy định vẫn không thay đổi. Ở đây không chỉ cấm phụ nữ mà ngay cả những con vật giống cái, quần áo đồ dùng hàng ngày, tranh ảnh... có liên quan đến phụ nữ đều bị cấm.
Nơi đây còn ban hành luật rất nghiêm ngặt khi mỗi ngày chỉ cho phép tối đa 20 người ngoài được nhập cảnh và tất cả phải là đàn ông. Để có thể tham quan hòn đảo này, du khách phải trải qua nhiều thủ tục, trong đó có kiểm tra giới tính của cảnh sát thường trực. Họ được phép tiến hành kiểm tra giới tính thông qua cách kiểm tra ngực.
Athos không bị pháp luật Hy Lạp ràng buộc. Họ trực tiếp nghe theo lệnh của tu viện. Hiện tại hòn đảo này là nơi duy nhất trên thế giới thuộc về “thể chế tăng lữ”. Đây cũng là địa phương độc nhất vô nhị cấm sinh hoạt tình dục. 900 tu sĩ vừa sinh ra đã được đưa đến đây mà chưa từng gặp qua người phụ nữ nào. Trong cuộc sống hàng ngày của họ không có sự xuất hiện của radio, ti vi, điện thoại, báo chí, thậm chí cấm tất cả các loại nhạc khí và cả ca hát, hút thuốc lá... Không phải chỉ có các tu sĩ mà tất cả người dân sống trên đảo đều bị cấm sinh hoạt tình dục.
Bất ngờ là dù lệnh cấm ngặt nghèo Romania trước đây từng cải trang thành một cậu bé và lén đi đến đảo Athos nhưng cuối cùng vẫn bị buộc quay lại. Trong số những vụ đột nhập gây kinh động, có thể kể đến một nữ văn sĩ người Pháp hồi thập niên 1920. Bà tên là Maryse Choisy, đã phải cắt bộ ngực để giả trang làm tu sĩ, lọt vào khu cấm địa.
Sau một tháng giả làm tu sĩ, sinh hoạt cùng nhiều nam giới khác, cuốn sách Un mois chez les hommes (tạm dịch là “Một tháng với đàn ông”) được bà cho ra đời. Sau đó, là lần xâm nhập của Aliki Diplarakou, người đẹp Hy Lạp đầu tiên nhận vương miện Hoa hậu châu Âu năm 1930. Cả thế giới đã sốc khi sự việc bị phanh phui, người phụ nữ được cả châu lục mê đắm đã “xâm nhập” vào thế giới thanh tịnh của đàn ông. Từ đó đến nay, không có trường hợp nào tương tự xảy ra và Athos tiếp tục trở thành vùng đất bất khả xâm phạm đối với phụ nữ.
Chốn đào nguyên sơ tách biệt thế giới bên ngoài
Đảo Okinoshima (Nhật Bản) rộng khoảng 700m2, quanh đảo có 3 rạn san hô, nơi đây có nhiều hiện vật chứng minh là một trung tâm giao thương quốc tế từ xa xưa. Hòn đảo này đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức công nhận là di sản thế giới năm 2017. Điều đáng nói là Okinoshima chỉ chào đón đàn ông, còn phụ nữ không được phép đến gần. Trên đảo Okinoshima có một ngôi đền linh thiêng nên từ thế kỷ XVII chỉ có đàn ông mới được phép đặt chân lên đảo.
Cho tới ngày nay, lý do hòn đảo Okinoshima cấm phụ nữ chưa bao giờ được tiết lộ nhưng có một giả thuyết cho rằng, Thần đạo coi kinh nguyệt của phụ nữ là ô uế, không sạch sẽ và có thể làm vấy bẩn ngôi đền linh thiêng. Tuy nhiên, giới chức của hòn đảo khẳng định, luật cấm bắt nguồn từ mong muốn bảo vệ phụ nữ, chứ không phải vì phân biệt giới tính. Việc vượt biển để tới hòn đảo rất nguy hiểm, không phù hợp với những người phụ nữ yếu đuối, vốn mang trọng trách sinh con đẻ cái. Theo giới chức hòn đảo, quy định này được giữ vững suốt nhiều thế kỷ qua và họ không có ý định thay đổi nó.
Ngay cả đàn ông cũng không được lên đảo một cách dễ dàng. Trước khi bước chân lên đảo Okinoshima, họ phải thực hiện các nghi lễ bắt buộc, bao gồm: cởi bỏ hết quần áo và tắm dưới biển để tẩy uế. Ngoài ra, họ còn bị cấm mang về đất liền những vật lưu niệm như cành cây, sỏi đá, thậm chí cả lá cỏ trên đảo.