Khám phá cầu Mường Thanh và hầm Đờ Cát - 2 dấu ấn trong chiến thắng "chấn động địa cầu"

08:15 | 05/05/2024;
Thời khắc lịch sử ngày 7/5/1954, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam rầm rập băng qua cầu Mường Thanh tiến thẳng vào Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm, vẫy cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng, ghi dấu sự sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân tại Điện Biên Phủ.

Khám phá cầu Mường Thanh và hầm Đờ Cát

Cây cầu Mường Thanh  nối giữa quá khứ với hiện tại như đưa mỗi chúng ta trở về những năm tháng hào hùng của trận Điện Biên Phủ năm xưa. Vào ngày 20/11/1953, Thực dân Pháp đã chọn Điện Biên Phủ để xây dựng Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ với 49 cứ điểm chia thành 3 phân khu.

Để thuận tiện cho quá trình di chuyển Quân Pháp cho xây dựng một cây cầu sắt bắc qua dòng sông Nậm Rốm và gọi đó là cầu "Prenley". Đây là cây cầu dã chiến được làm sẵn và vận chuyển từ Pháp sang, lắp ghép tại Điện Biên Phủ. Để bảo vệ cây cầu huyết mạch này, quân Pháp bố trí các cứ điểm: 507, 508 và 509 được mệnh danh là những "thiên thần gác cửa".

Đúng 8 giờ sáng ngày 7/5/1954, các chiến sĩ Đại đội 360 thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 bắt đầu đánh chiếm cầu Mường Thanh. Sau rất nhiều cuộc chiến đấu ác liệt, đúng 17 giờ 30 phút chiều ngày 7/5/1954, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng các chiến sĩ trong tổ xung kích vượt qua cầu Mường Thanh tiến thẳng vào Sở chỉ huy của tướng De Castries, bắt sống ông ta cùng toàn bộ Bộ tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đi qua cầu Mường Thanh khoảng 300m sẽ tới hầm Đờ Cát. Hầm được thiết kế xây dựng bằng những vật liệu vững chắc nhất lúc bấy giờ, có khả năng chống chọi với nhiều loại hỏa lực. Nóc hầm lợp bằng các tấm ghi thép hình vòm, bên dưới là những bao cát xếp chồng lên nhau. Hầm Đờ Cát dài 20m, rộng 8m, bao gồm bốn gian. Đây là nơi làm việc và nghỉ ngơi của tướng Đờ Cát cùng bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Hiện nay, cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn được giữ nguyên. Trong hình là chiếc bàn sắt làm việc của tướng Đờ Cát. Tại căn hầm này, tướng Đờ Cát đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao như Thủ tướng Pháp Joseph Laniel, tổng thống Mỹ cũng như các nhà báo quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hai địa danh này thu hút hàng nghìn người đến tham quan mỗi ngày, như một cách tri ân với lịch sử, với thế hệ cha ông ngã xuống vì hoà bình, độc lập của dân tộc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn