Khám phá động rắn bản Tưn

18:13 | 06/04/2016;
Từng đợt gió Lào ào ào thổi về miền rừng Xuân Nha (Mộc Châu – Sơn La) cũng là lúc các chàng trai người Mường, người Mông đóng bè để khám phá động rắn bản Tưn.

Đất Mộc Châu có nhiều điểm đến làm say lòng người, nhưng để có cơ hội khám phá động rắn bản Tưn, ít người dám mạo hiểm. Trái với khí hậu trong lành, mát mẻ ở cao nguyên Mộc Châu, bản Tưn nằm lọt thỏm trong một thung lũng nắng nóng. Nhiệt độ nơi đây có lúc lên đến 40 độ C. Người Xuân Nha bảo, bản Tưn là chảo lửa của cao nguyên Mộc Châu.

Từ ngã ba trung tâm xã Vân Hồ vượt qua khoảng 25km là tới địa phận bản Tưn. Nơi này vẫn còn rừng xanh ngút ngàn và những câu chuyện huyền bí về động rắn. Người Mường ở đây gọi động rắn là hang Méng Lặn. Méng Lặn nằm sâu trong rừng rậm, muốn khám phá phải có người địa phương thông thạo địa hình dẫn đi. Động rắn là một con sông ngầm nằm dưới chân núi Pha Luông. Người dân địa phương bảo, nếu đi hết động rắn là sang tới Sông Mã (Thanh Hóa). Muốn xuống động phải vào rừng chặt nứa, kết bè và có hàng chục trai bản phụ giúp kéo bè. Khám phá động rắn gặp nhiều hiểm nguy, nhưng nó sẽ là trải nghiệm thú vị.  

Muốn khám phá động rắn, các chàng trai người Mường phải vào rừng chặt nứa, đóng bè. Chỉ riêng việc vận chuyển nứa từ rừng xuống suối cũng đã đủ nặng nhọc.
Để có được một cái bè khám phá hang Méng Lặn, thợ chặt nứa phải làm cật lực cả buổi sáng. Nứa được thả trôi theo dòng suối Méng Lặn, một nhóm đợi ở cuối nguồn đón lấy nứa kết bè.
Các chàng trai Mường kết một cái bè tốt, đủ sức chống chọi với dòng nước xiết.
 10 trai bản cùng đồng tâm, hiệp lực mới đưa được chiếc bè nứa xuống cửa hang Méng Lặn.
Qua khỏi cửa hang, không gian tối sầm lại, phải dùng đèn soi mới nhìn thấy xung quanh.
Vốn là người đi rừng nhiều năm, anh Bùi Văn Đại biết khá nhiều loài rắn độc ở trong hang. Anh cũng chịu khó tìm hiểu thông tin, được biết ở Việt có gần 200 loài rắn, trong đó 53 loài rắn độc chủ yếu thuộc hai họ rắn lục và rắn hổ, mà trong hang này có đủ.

Khi bắt đầu vào hang, nước chảy rất xiết. Người ngồi trên bè phải phối hợp ăn ý mới giữ được thăng bằng. Chiếc bè vào đến giữa hang, mọi người bắt đầu có cảm giác lo lắng. Ánh đèn pin lia đến các hốc đá, các loài rắn xanh, rắn đỏ lẩn ngay vào trong hốc. Riêng đám rắn nước gặp đèn là thả mình rơi luôn xuống lòng sông ngầm.  Anh Đại cho biết, ở các hốc cao có khe đá ăn lên phía trên nên có nhiều rắn độc. Trong đó có loài rắn hổ mang xiêm (hổ mang bành) nguy hiểm, có nọc độc gây chết người. Rắn hổ mang thường tấn công khi bị khiêu khích hay đe dọa. Ai bị loài rắn độc này cắn thì chỉ khoảng 30 phút sau sẽ tử vong do chất độc làm suy hô hấp, dẫn đến ngạt thở.

Trong động có rất nhiều dơi, chim và chuột cùng chung sống nên rắn hổ mang rất thích vào động săn mồi. Trên đường vào Méng Lặn, anh Đại dặn kỹ, khi vào hang nhìn thấy rắn, mọi người không nên manh động. Trong hang có vô số các loài rắn khác nhau. Rắn nước thì rất lành, riêng các loài rắn độc, bình thường chúng cũng hiền, nhưng nếu nó bị tấn công thì sẽ rất nguy hiểm.
Rắn nấp trong kẽ đá chỉ thò đuôi ra ngoài 
Hang Méng Lặn có rất nhiều loài rắn trú ngụ, vào mùa hè, rắn mắc giàn trên lớp nhũ đá
 Ẩn phía sau lớp nhũ đá này, lúc nào cũng có thể bắt gặp rắn, trong đó có cả những loại rắn độc nguy hiểm.
Một chú rắn độc bắt mồi trong động Méng Lặn.
Thêm một chú rắn săn mồi ngay trước mắt du khách.

Bà con người Mường, người Thái nơi đây mỗi năm tổ chức cúng bản một lần, để tri ân những người đã có công khai sơn, lập bản. Và một năm bà con cũng chỉ dám vào Méng Lặn một lần. Họ tin rằng, rắn ở trong hang là con của thần rừng phái xuống. Nhờ đó, rắn trong hang Méng Lặn ngày càng nhiều hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn