Hồ Tây là một hồ nước lớn ở phía tây bắc Hà Nội, rộng 5,3 km2, nhỉnh hơn một chút so với diện tích 5,29 km2 của quận Hoàn Kiếm. Đường vòng quanh bờ hồ dài 17km, cũng là cung đường lý tưởng cho việc đạp xe, chạy bộ.
Hồ Tây có nhiều tên gọi khác nhau: Bến Lâm Ấp, Bến Nước, Hồ Lãng Bạc, Hồ Dâm Đàm, Đầm Xác Cáo, Hồ Kim Ngưu, Đoài Hồ, Tây Hồ.. Với không gian rộng mênh mông, quanh năm mờ ảo trong khói sương, gợi niềm thi hứng cho các văn sĩ, thi sĩ sáng tác thơ văn.
Một góc hồ Tây, nhìn từ phố đi bộ Sen Tây Hồ và Trịnh Công Sơn. Khu vực này cũng có công viên nước và vòng xoay mặt trời đầu tiên ở thủ đô.
Một góc phủ Tây Hồ, Hồ Tây. Nơi đây vào những ngày đầu tháng, ngày rằm, các ngày lễ Tết thường đông đúc người qua lại đến thắp hương, lễ bái.
Quanh Hồ Tây hiện có khoảng 40 đình, chùa, đền, miếu. Đường Thanh Niên có chùa Trấn Quốc dựng từ thời Lý Nam Đế, gần đó có đền Thủy Trung Tiên (đền Cẩu Nhi) gắn với sự kiện vua Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư (Ninh Bình) năm 1009…
Hồ Tây chứa khoảng 8 triệu m3 nước, có tác dụng điều hòa không khí vùng phụ cận.
Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), việc sửa sang, tôn cao, mở rộng con đê là đường đi giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch được giao cho thanh niên Hà Nội. Cho đến khi hoàn thành (cuối năm 1959), theo lời gợi ý của Bác Hồ, con đê được đổi tên thành đường Thanh Niên.
Thanh Niên là một trong những con đường đẹp nhất Thủ đô Hà Nội. Cung đường dài chưa tới 1 km nhưng có rất nhiều địa điểm di tích lịch sử nổi tiếng như: Đền Quán Thánh, đền Thủy Trung Tiên, chùa Trấn Quốc. Cùng nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí như kem hồ Tây, đạp vịt ở hồ Trúc Bạch, và một vài địa điểm ngắm - chụp ảnh hoàng hôn buông xuống hồ Tây.
Xung quanh Hồ Tây còn rất nhiều địa điểm chụp ảnh nổi tiếng khác được giới trẻ gần đây lan truyền như: “Vòm cây tình yêu”; Phố đi bộ Trịnh Công Sơn; Góc sống ảo ở ngách 38, ngõ 5 phố Từ Hoa;...
Đối với người dân Hà Nội hay với những du khách sống lâu năm tại đây, việc đạp xe hay đi tản bộ vào buổi sáng - chiều hoặc trong những ngày cuối tuần, rồi nhâm nhi ly cà phê và thưởng lãm vẻ thơ mộng của Hồ Tây đã trở thành một nếp sống.
Trong những ngày cuối tuần, du khách nước ngoài giải khát ven hồ và vẽ tranh về một đoạn đường ven hồ trên phố Từ Hoa.
Quanh hồ Tây có những khách sạn cao cấp, có thể ngắm trọn cảnh hồ. Vài năm gần đây, những khách sạn nhỏ, những căn hộ cho thuê view hồ cũng được nhiều người săn đón.
“Vào những ngày cuối tuần, tôi thường đưa trẻ con đi chơi ở những cung đường ven hồ Tây. Tôi đã từng qua nhiều tỉnh thành trong cả nước, cũng như đến một vài thành phố trên thế giới, nhưng đây vẫn là hồ nước rộng nhất trong lòng một thành phố mà tôi đã từng đi. Trong tất cả các mùa, tôi yêu thích nhất là mùa Thu ở hồ Tây. Buổi sáng đi dạo, chạy bộ, rồi nhâm nhi ly cà phê, tôi cảm giác rất thư thái”, anh Tú (34 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
“Tôi đã đến Việt Nam được 8 năm rồi nhưng mới ra Hà Nội thời gian gần đây. Hà Nội cũng giống như các thành phố của Nga, là một trung tâm của văn hóa, của chính trị. Bản thân tôi, ngày nào cũng đạp xe quanh hồ Tây và còn dành có một cái ghế nhỏ cho chú chó. Không chỉ là nơi thưởng ngoạn, hồ Tây còn tạo ra những cơ hội kinh doanh. Vì vậy, tôi đã mở một nhà hàng ở gần Hồ Tây”, anh Alex (47 tuổi, đến từ Sochi, Nga).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn