Khán giả dễ dãi là tiếp tay cho hài tục lên ngôi

14:34 | 07/03/2017;
Nghệ thuật là nơi tôn vinh cái đẹp, không thể đưa tất cả sự trần trụi của đời sống cho khán giả. Ngoài kịch bản sạch, diễn viên cần biết kiểm soát ngôn từ, trả lại tiếng cười tử tế. Tuy nhiên, khán giả cũng không nên hùa theo bằng nụ cười dễ dãi.
3_37562.jpg
Màn giả gái của Chí Tài trong chương trình "Ơn giời! Cậu đây rồi" từng bị cho là thảm họa

Hài tục không chỉ xuất hiện trên sóng truyền hình, mà ngay với sân khấu Việt thời gian vừa qua cũng đã ghi nhận việc diễn viên và đạo diễn đã quá dễ dãi trong diễn xuất. Tiếng cười trong trẻo của hài đã bị vấy bẩn khi người xem bị chọc cười bằng những câu nói tục. Trong khi ấy, mỗi tiểu phẩm hài của sân khấu trước khi ra mắt khán giả đã qua nhiều cấp kiểm duyệt nên nếu đổ lỗi cho sự ngẫu hứng là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, khán giả đã phải xem quá nhiều các tiết mục hài được dàn dựng một cách cẩu thả. Thậm chí có nghệ sỹ cứ diễn hài là phải văng tục đến nỗi, khán giả đã nhớ mặt chỉ tên.

Và dường như, hài tục đang có một chỗ đứng nhất định trong lối diễn hài hiện nay. Dù bị chỉ trích, lên án nhưng xu hướng này không hề thuyên giảm khi mà trên truyền hình lẫn sân khấu, đâu đâu khán giả cũng thấy những câu nói tục được phát ngôn rất tự nhiên trước mặt đám đông.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: “Sân khấu hài kịch hiện nay đang bị tha hóa một cách rất đáng lo ngại vào sự nghiệp dư và đang tụt dốc  nhanh về thẩm mỹ hài kịch. Nghiệp dư và tụt dốc về mọi phương diện, từ kịch bản đến đạo diễn, diễn xuất của diễn viên, mà nơi nhìn thấy rõ nhất chính là trên sóng truyền hình. Tôi xin khẳng định rằng, kịch bản hài không hề dễ viết, nhất là kịch bản hài cho một vở diễn dài hơi và ngay cả tiểu phẩm hài cũng không hề dễ viết kịch bản một cách tử tế, để tiếng cười được cất lên từ các tình huống hài kịch đắt giá.

nguyen-thi-minh-thai.jpg
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định, không hề dễ viết kịch bản hài một cách tử tế để tiếng cười được cất lên từ các tình huống hài kịch đắt giá

Sân khấu hài trên truyền hình hiện nay có thể gọi thẳng tên là kịch cương và diễn cương, trên cơ sở ngẫu hứng, và điếu này đã và sẽ dẫn đến cách diễn tự nhiên chủ nghĩa, mà nói tục, chửi bậy, chửi xéo nhau, kê kích nhau, hoặc đối thoại sống sượng, giả tạo… chỉ là vài khía cạnh dễ thấy của hài tục và hài nhảm nhí trên sân khấu truyền hình mà thôi. Nhưng có người nói rằng, cứ cái gì làm khán giả cười được, vậy là đủ với diễn hài, thì tôi xin thưa rằng, nếu cứ xem hài tục mà cười, thì sân khấu truyền hình đã tạo cho khán giả một thói quen cười quá dễ dãi, hời hợt. Nên, có một bộ phận khán giả cùng cần xem lại mình khi hình thành thói quen cười dễ dãi, thì chính họ đã tiếp tay cho thứ hài tục lên ngôi”.

Trước xu hướng đáng lo ngại của sân khấu hài, biện pháp cứu chữa tình trạng này, trước hết phải nằm trong chính chủ thể sân khấu hài là những người tổ chức và biểu diễn hài trên sân khấu. Chính họ phải luôn luôn gìn giữ sự chuyên nghiệp của nghề biểu diễn và bảo vệ tính thẩm mỹ của cái hài kịch, vốn là cái cười mỹ học, giúp nhân loại giã từ quá khứ một cách vui vẻ. Nghệ sĩ hài cần đối chiếu sự biểu diễn hài với khán giả, không cố chiều theo và lấy lòng những tiếng cười dễ dãi, đặng lấy lại khán giả đích thực đã bị mất, bởi chính sự tha hóa và tụt dốc của biểu diễn hài hôm nay. Và như thế, mới tìm được tiếng cười sạch trong chính sự chuyển động phức tạp của sân khấu hiện nay.

Và sân khấu hài nhất định sẽ được cải thiện và đổi mới, khi nhà viết kịch tạo nên các kịch bản hài tốt, diễn viên diễn hài chuyên nghiệp, biết tiết chế ngôn từ trong diễn xuất, đạo diễn cẩn trọng trong dàn dựng. Nếu không, sân khấu hài có thể sẽ là những điểm trừ khi ai cũng có thể cười một cách dung tục, tầm thường và dễ dãi…

Chương trình “Thách thức danh hài” mùa 3 dù đã khép lại nhưng lại thổi bùng lên sự bất bình của dư luận bởi, Quán quân Lê Tấn Lợi đã giành chiến thắng quá dễ dàng và chưa thực sự thuyết phục. Người bị chỉ trích nhiều nhất trong chiến thắng của Lê Tấn Lợi là danh hài Trấn Thành. Anh đã cười dễ dãi hệt như thí sinh trên sân khấu và giúp Lê Tấn Lợi vượt qua 5 vòng thi để giành phần thưởng trị giá 150 triệu đồng. Trong khi đó, cùng ngồi “ghế nóng” như Trấn Thành, danh hài Trường Giang đã không thể nở được một nụ cười trong suốt phần thi của Lê Tấn Lợi. Thậm chí, nhiều khi, thí sinh này còn hỏi giám khảo Trường Giang rằng “Sao anh không cười”, Trường Giang đã trả lời thật thà rằng: “Có gì đâu mà đáng cười”. Không chỉ nhạt, điều đáng chê trách nhất của Lê Tấn Lợi trong phần thi này là anh đã buông một câu tục khi gọi vợ là “mập đ…”. Và lần này, MC Trấn Thành lại…cười trong niềm hạnh phúc vỡ òa của thí sinh dự thi. Nhờ nụ cười ấy, Tấn Lợi đã chạm tay được vào giải thưởng 150 triệu đồng. 

hai1_sdow.jpg
Tấn Lợi giành 150 triệu đồng trong gala Thách thức khiến khán giả bức xúc

Nhân việc Lê Tấn Lợi nói tục trong diễn hài, sân khấu hài gần đây đã xuất hiện nhiều diễn viên “hồn nhiên” trong phát ngôn đến mức đưa cả những ngôn từ chợ búa lên sân khấu. Từ những chương trình thi tấu hài, những ngôn từ không mấy dễ nghe này vẫn vô tư xuất hiện trên sóng nhà đài và không hề bị cắt gọt. Nhiều diễn viên đã giải thích rằng, các chương trình thi hài đều mang tính ngẫu hứng, không có kịch bản sẵn nên nghệ sỹ nhiều khi nghĩ gì nói đấy, miễn sao khiến khán giả cười, vậy là đã thành công. Lê Tấn Lợi cũng là một trường hợp như vậy khi anh ta muốn vượt qua vòng thi số 5 bằng mọi cách để giành Quán quân. Và cách nhanh nhất, dễ nhất để BGK cười chính là một câu nói tục. Tất nhiên, Tấn Lợi đã đạt được mục đích nhưng đó là điểm trừ trong con mắt của nhiều khán giả dành cho Quán quân “Thách thức danh hài” mùa 3.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn