Xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là xã đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó người dân tộc Ê đê, Raglai chiếm phần lớn. Người dân nơi đây đa số làm nghề nông, đời sống tinh thần của bà con chưa phong phú. Vừa qua, Hội LHPN xã Ninh Tây đã ra mắt CLB "Điệu múa truyền thống của người đồng bào Êđê".
Đây là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Ê-đê nói riêng trên địa bàn xã. Đồng thời, lan tỏa trong cộng đồng tình yêu âm nhạc, gìn giữ văn hóa truyền thống của người Êđê, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương phát triển và thu hút hội viên đến với hoạt động phong trào của Hội. Đặc biệt, hoạt động này có thể giúp các chị em có tinh thần lạc quan, có sức khỏe tốt để phát triển kinh tế, xây dựng, chăm lo gia đình ngày một hạnh phúc.
CLB được thành lập tại chi hội thôn Buôn Tương với 15 thành viên tham gia. CLB được thành lập trên tinh thần tự nguyện tham gia của các thành viên, với các nội dung sinh hoạt như: Giao lưu các tiết mục múa, nâng cao sự hiểu biết về những điệu múa truyền thống của người đồng bào Êđê cho các thành viên.
Mọi thành viên tham gia đều trên tinh thần tự nguyện, tự giác tham gia vào các hoạt động cũng như tôn trọng và tuân thủ mọi nội quy do CLB đề ra. CLB hướng đến xây dựng một cộng đồng tốt đẹp, văn minh, khỏe mạnh. Các thành viên trong CLB có trách nhiệm tuyên truyền và vận động hội viên phụ nữ gia nhập CLB; giúp đỡ các thành viên khác sinh hoạt CLB; Tham gia đầy đủ, nghiêm túc, đóng góp tích cực cho các hoạt động của CLB…
Múa dân gian là loại hình nghệ thuật khá phổ biến trong cộng đồng các dân tộc. Nếu như nghệ thuật cồng chiêng gắn bó với đời sống đồng bào cả trong chu kỳ sản xuất nông nghiệp lẫn vòng đời con người thì múa dân gian cũng không tách rời các sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là trong các dịp lễ hội truyền thống. Nhiều điệu múa dân gian được sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, săn bắt hay bắt chước theo những loài chim thú quen thuộc của núi rừng. Từ đó, họ vận dụng vào trong từng động tác để thể hiện những cảm xúc vui buồn, cầu xin, đón nhận hoặc diễn đạt tư thế mạnh mẽ của chiến binh để đe dọa, tấn công kẻ thù. Có thể nói rằng, từ xa xưa, múa dân gian đã trở thành máu thịt của các thế hệ người dân tộc bản địa, là một loại hình nghệ thuật truyền thống đi vào đời sống văn hóa của các buôn làng tại nơi đây.
Những điệu múa của các cô gái trong buôn làng giúp xóa tan đi những mệt nhọc sau ngày lao động vất vả. Những điệu múa ấy không chỉ đưa vào những ngày lễ hội mà còn được chị em múa vào những lúc quây quần bên nhau. Khi múa, người ta đưa tay lên uốn lượn để người xem thấy được về sự hòa bình, thông qua hình ảnh chim bồ câu, đó còn là ý nghĩa về sự thay đổi và vươn lên, sải cánh về phía trước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn