Khánh thành Khu di tích lịch sử Trường Cán bộ dân tộc miền Nam

11:24 | 06/12/2019;
Trường Cán bộ dân tộc miền Nam là mô hình giáo dục đặc biệt và duy nhất thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến công tác giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, giữa hai miền Nam Bắc của Tổ quốc.
Khánh thành Khu di tích lịch sử Trường Cán bộ dân tộc miền Nam - Ảnh 1.

Cắt băng khánh thành Khu di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam. Ảnh: Báo Hòa Bình

Ngày 5/12, tại thị trấn Chi Nê (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình), Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Cán bộ dân tộc miền Nam (1959-2019) và khánh thành Khu di tích lịch sử Trường Cán bộ dân tộc miền Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đánh giá cao việc tỉnh Hòa Bình đã chủ động tạo mọi điều kiện về kinh phí, đất đai, dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng khu lưu niệm và tổ chức lễ kỷ niệm nhiều ý nghĩa này.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết, đây là mô hình giáo dục đặc biệt và duy nhất thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến công tác giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, giữa hai miền Nam Bắc của Tổ quốc.

Ông Bùi Văn Tỉnh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thủy cần tiếp tục nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, để khu di tích trở thành ngôi nhà chung cho các cựu cán bộ, học sinh lui tới, tìm về; xây dựng nơi đây là địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; đồng thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh Hòa Bình đối với công tác giáo dục dân tộc, giữ vững tình đoàn kết giữa các dân tộc, vùng miền trên đất nước Việt Nam như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy.

Khánh thành Khu di tích lịch sử Trường Cán bộ dân tộc miền Nam - Ảnh 2.

Ảnh: TTXVN

Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa một số con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập. Trong đoàn quân tập kết ấy có hơn 2.000 con em các dân tộc miền Nam (từ Quảng Trị trở vào).

Nhằm đáp ứng tốt hơn điều kiện ăn ở, học tập cho học sinh, tháng 12/1958, Ủy ban Dân tộc Trung ương đã ban hành Quyết định số 1563-VP/CB về việc thành lập Khu đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam, sau đổi tên thành Trường Cán bộ dân tộc miền Nam và đặt tại xã Đồng Tâm, nay là thị trấn Chi Nê.

15 năm, Trường Cán bộ dân tộc miền Nam đứng chân trên địa bàn huyện Lạc Thủy, dù trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, cán bộ, học viên và con em của trường luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện đùm bọc, giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, huyện Lạc Thuỷ và người dân xã Đồng Tâm (nay là thị trấn Chi Nê). Bên cạnh đó, cán bộ, học viên của trường cũng tích cực tham gia các hoạt động giúp người dân địa phương trong sản xuất, phát triển kinh tế…

Từ ngôi trường này, nhiều đồng chí đã trở lại chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu, giải phóng đất nước; hàng nghìn cán bộ, học viên, con em các dân tộc miền Nam đã trưởng thành, trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học. Trong đó, một số đồng chí được giao trọng trách lớn trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân và lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương trên mọi miền Tổ quốc.

Ngay sau lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cắt băng khánh thành Khu di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam và thăm quan khu di tích.

Khu di tích được tỉnh Hòa Bình bố trí xây dựng với diện tích 179.565 m2, tổng số tiền đầu tư 10 tỷ đồng với hai hạng mục là nhà rông và nhà sàn. Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 24/7/2018 và hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 5/12/2019./.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn