Dự án được đông đảo sinh viên hưởng ứng, tạo nên một nét đẹp trong văn hóa bảo vệ môi trường của giới trẻ, góp phần xây dựng cho sinh viên một thói quen tái sử dụng các chai, lọ, bao bì nhựa đựng một cách đơn giản - tiết kiệm - tiện lợi nhất.
Các thành viên đều là trại viên cá nhân của Trại Thủ lĩnh Khí hậu Việt Nam 2021. Do cùng chung ý tưởng, các thành viên đã chung tay xây dựng và thực hiện dự án có ý nghĩa này.
Bạn Nguyễn Thảo Uyên (Sinh viên Trường Đại học RMIT) - Trưởng Ban ngoại giao của nhóm chia sẻ: "4 thành viên nhóm cùng chung chí hướng chọn chủ đề "nhựa" để xây dựng một trạm "tái đong đầy" với mục đích tạo nếp sống xanh một cách tiết kiệm và đơn giản hơn, đồng thời hạn chế lượng rác thải dùng một lần ra môi trường".
"Tới Đây Đong Đầy" với một hoạt động chính là thu gom những chiếc chai, lọ, bao bì nhựa đựng các sản phẩm tẩy rửa gia dụng như nước rửa chén, nước xả, bột giặt, nước rửa tay, hóa mỹ phẩm chăm sóc sức khỏe như sữa tắm, dầu gội cho sinh viên Đại học Quốc gia Tp.HCM.
Mô hình vận hành của nhóm hoạt động như một trạm hay còn gọi là cửa hàng - nơi trưng bày các nhãn hiệu, sản phẩm và thực hiện dịch vụ tái đong đầy. Ngoài ra, để đáp ứng thói quen mua sắm của sinh viên, nhóm tiến tới hoạt động bằng các xe lưu động, định kỳ. Mục tiêu là xây dựng cho sinh viên một thói quen tái sử dụng các chai, lọ, bao bì nhựa đựng các sản phẩm kể trên một cách đơn giản - tiết kiệm - tiện lợi thông qua dịch vụ đổ đầy (refill), từ đó, giảm thiểu lượng rác thải nhựa sinh hoạt của khu Làng Đại học nói riêng, TPHCM nói chung.
Chia sẻ thêm về hành trình đến với công việc này, Thảo Uyên cho biết: "Trong suốt quá trình hoạt động, em nhận ra một vấn đề là khái niệm bảo vệ môi trường giờ đây ai cũng biết và cũng hiểu, tuy nhiên có nhiều người chưa thực hiện nghiêm túc. Ở một bộ phận lớn giới trẻ, sống xanh trở thành một trào lưu, nhiều hành động bảo vệ môi trường bị bóp méo như việc các bạn vứt những hộp, chai nhựa vẫn sử dụng được tại nhà và mua những món đồ "bảo vệ môi trường khác" để thay thế; hay những sản phẩm "sống xanh" được nhãn hàng bán với mục đích "quảng cáo xanh" với giá cao. Vì vậy, mong muốn và khát vọng lớn nhất của nhóm là biến việc sống xanh trở thành một phong cách sống, đơn giản, dễ dàng, tiện lợi, tiết kiệm, ai cũng có thể sống xanh ngay cả khi không phải vì môi trường. Đây cũng là giá trị mà "Tới Đây Đong Đầy" hướng đến".
Theo Gia Như (sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM), thành viên của dự án, cho biết: "Đối với em, bảo vệ môi trường không phải cái gì quá cao siêu, nên em mong muốn tương lai con người sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ nơi mà mình sống với những hành động đơn giản như bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác, tái sử dụng đồ, gom ve chai... Bên cạnh đó em cũng mong khoa học phát triển để có thể có nhiều thiết bị thân thiện với môi trường hơn, điển hình như hiện nay đã có xe máy điện và xe hơi điện,..".
Để "Tới Đây Đong Đầy" hoạt động hiệu quả, các thành viên của nhóm đã xây dựng những nội dung thiết thực giúp các bạn sinh viên dễ dàng thực hiện như: dịch vụ refill các sản phẩm tẩy rửa gia dụng, dịch vụ vệ sinh chai, lọ, bao bì nhựa cho người sử dụng dịch vụ refill, giúp cho việc refill dễ dàng, tiện lợi hơn.
Ngoài ra, nhóm còn có các dịch vụ thu gom chai, lọ, bao bì nhựa cho người sử dụng dịch vụ refill. Giúp các bạn hướng đến lối sống tối giản, ngăn nắp và tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn có nhu cầu refill nhưng không có chai nhựa.
Dịch vụ refill được thực hiện dưới hình thức vận chuyển tận nơi, theo lịch biểu cố định. Tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn sinh viên ở bất kỳ đâu trong làng đại học có thể refill sản phẩm mình muốn.
Với khát vọng tạo nếp sống xanh, giảm rác thải nhựa ra môi trường sống, nhóm "Tới Đây Đong Đầy" đang ngày một thu hút sự chú ý của giới trẻ, nhất là sinh viên đại học. Trong một tương lai không xa, hoạt động "tái đong đầy" được kỳ vọng sẽ tạo ra một thói quen, một cách sống, một văn hóa môi trường cho cộng đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn