Những ngày giáp Tết, xưởng may của chị Quyên càng bận rộn hơn với những hợp đồng sản phẩm phải hoàn thành đúng thời gian quy định. Dẫu vậy, nữ chủ cơ sở may này không có chút mệt mỏi, căng thẳng. Chị vẫn luôn nở nụ cười tươi tắn trên môi, vừa động viên các công nhân lao động yên tâm làm việc, thi thoảng lúc giải lao, chị còn thăm hỏi gia đình các chị em năm nay chuẩn bị đón Tết thế nào?
Từng là một công nhân may lành nghề, sau thời gian làm tại các công ty may trên địa bàn tỉnh, với khát vọng vươn lên làm giàu, cùng với kinh nghiệm tích lũy được khi còn làm công nhân, đầu năm 2022, chị mạnh dạn bàn với chồng mở xưởng may gia công, nhận hàng về làm may tại nhà. "Quy mô xưởng gia công ban đầu của tôi chỉ có 15 công nhân. Những ngày đầu mở xưởng may, tôi gặp rất nhiều khó khăn, từ thiếu vốn, thiếu kỹ năng quản lý, công nhân lại chưa có kinh nghiệm trong việc sử dụng máy may..., khiến cho tôi có lúc thấy hoang mang", chị Quyên nhớ lại.
Song, với niềm đam mê và không ngại khó, chị đã dành nhiều thời gian nghiên cứu thêm các kiến thức về quản lý, tìm kiếm đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, đồng thời tranh thủ đi học hỏi kinh nghiệm của các xưởng may khác. Chị bảo: "Khi ấy, tôi vừa học thêm, vừa là người làm công nhân trực tiếp tại xưởng, vừa "cầm tay chỉ việc" cho các chị em khác thành thạo hơn từng đường kim, mũi chỉ".
Sau một thời gian nỗ lực hết mình, hoạt động xưởng may của chị dần đi vào hoạt động ổn định. Đến nay, xưởng may của chị Hà Thị Quyên có gần 50 công nhân, chủ yếu là chị em phụ nữ ở tại địa phương và các xã lân cận. Xưởng may xuất khẩu của chị ngày càng phát triển, lợi nhuận hàng năm thu khoảng 400 triệu đồng, với mặt hàng chủ lực là may xuất khẩu. Thu nhập bình quân của công nhân lao động tại xưởng từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Nhiệt tình trong các hoạt động Hội
"Mặc dù chồng tôi hiện tại đang làm việc ở nước ngoài nhưng tôi đã phát huy truyền thống "ba đảm đang" của phụ nữ Việt Nam để vừa điều hành xưởng may, vừa quản lý xưởng may, mà vẫn tham gia hoạt động Hội phụ nữ, chăm lo, nuôi dạy các con ăn học nên người" - chị Quyên tâm sự.
Tuy công việc ở xưởng may và việc nhà luôn bận rộn đan xen, song chị vẫn sắp xếp thời gian một cách khoa học để tham gia các hoạt động của Hội phụ nữ địa phương. Hầu như các buổi sinh hoạt Chi hội, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, dân vũ, từ thiện, nhân đạo của Chi hội, của thôn do Hội LHPN phát động, chị đều là một trong những thành viên hăng hái nhất.
"Tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội LHPN xã phát động, đặc biệt là hoạt động "Biến rác thải thành tiền" và "vệ sinh môi trường". Tôi vận động chị em công nhân trong xưởng phân loại rác tại xưởng. Cứ vào cuối giờ chiều ngày 24 hàng tháng, tôi cùng chị em trong xưởng tham gia cùng các hội viên phụ nữ địa phương dọn dẹp vệ sinh và cảnh quan tuyến đường tự quản do Hội LHPN xã quản lý", chị Quyên vui vẻ nói.
"Trong quá trình phân loại rác và vệ sinh môi trường, chúng tôi tận dụng những loại rác là phế liệu bán đi. Toàn bộ số tiền thu được, chúng tôi dùng hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn tại xưởng. Mặc dù số tiền không lớn nhưng mang tính chất động viên và khích lệ tinh thần chị em rất lớn", chị cho biết thêm.
Vào tháng 9/2023, Hội LHPN xã Đông Thọ đã tạo điều kiện hỗ trợ cho chị Quyên vay nguồn vốn 95 triệu đồng để phát triển sản xuất. Ngay sau đó, cuối tháng 10/2023, chị đã cùng Ban thường vụ Hội LHPN xã Đông Thọ ra mắt "tổ hợp tác may" nhằm thu hút, hỗ trợ chị em hội viên có việc làm, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, để các chị em ở địa phương đều được nâng cao cuộc sống, nâng cao vị thế trong gia đình. Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay hàng tháng, chị tham gia gửi tiết kiệm cùng với tổ vay vốn của Hội, số tiền 100.000 đồng.
Nhờ sự phát triển của xưởng may, kinh tế của gia đình chị được cải thiện rõ rệt. Chị xây dựng mới nhà cửa, mua sắm được tiện nghi trong gia đình, các con chị đều là học sinh xuất sắc của trường. 5 năm liền, chị được Chi hội phụ nữ thôn Hồng Phong, xã Đông Thọ, bình xét là hội viên phụ nữ tiêu biểu, được Ban công tác mặt trận thôn bình xét là gia đình văn hóa nhiều năm liền.
Chị cho biết, thời gian tới, chị mong có thể phát triển "Tổ hợp tác may" lớn mạnh hơn, giúp thêm nhiều chị em ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bí quyết làm chủ xưởng may thành công ở vùng nông thôn
Bí quyết để người lao động gắn bó với mình lâu dài, chị Quyên chia sẻ: "Trong quá trình hoạt động và điều hành xưởng may, tôi luôn động viên, cổ vũ tinh thần của các chị em để tạo sự đoàn kết, nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc".
Theo chị Quyên, muốn thành công trước bất cứ việc gì, trước tiên bạn phải có ý chí cũng như tinh thần dám nghĩ, dám làm, không nản chí trước mọi khó khăn. Lên kế hoạch và phương án sản xuất cụ thể, đồng thời chọn sản phẩm phù hợp với thị trường để phát triển được thuận lợi.
Tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ để học hỏi kinh nghiệm nâng cao năng lực, trình độ về mọi mặt của bản thân. Luôn động viên, khuyến khích các công nhân hăng say lao động, đoàn kết, sáng tạo trong phần việc của mình.
Dù bận rộn kinh doanh nhưng vẫn tham gia tích cực các hoạt động phong trào của Hội LHPN và của địa phương. Biết sắp xếp mọi công việc trong gia đình một cách khoa học, để vừa tham gia được công việc xã hội, vừa làm tròn trách nhiệm của một người con, người vợ, người mẹ trong gia đình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn