Theo Ths.BS Trần Thu Nguyệt, Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng (Bộ Y tế), khẩu trang y tế được cấu tạo bởi loại vải không dệt và có 3 hoặc 4 lớp, mỗi lớp đảm nhiệm mỗi chức năng khác nhau. Lớp ngoài cùng có tính năng chống thấm, giúp ngăn cản hiệu quả các hạt chất lỏng (droplet) văng ra khi người bệnh hắt xì hơi, ho, thở mạnh hoặc những hạt chất lỏng từ người đối diện bắn vào... Mặt ngoài thường có nhiều màu khác khau. Lớp giữa có cấu trúc là một lớp lọc các hạt bụi và vi sinh vật có kích thước nhỏ. Lớp trong có cấu trúc mịn màng, có tính thấm nước nhằm hút mồ hôi. Lớp trong luôn có màu trắng hoặc nhạt màu rất dễ phân biệt với lớp ngoài.
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay còn có nhiều loại khẩu trang khác nhau như: Khẩu trang có than hoạt tính khử và lọc khí độc, khẩu trang lọc bụi mịn và vi khuẩn N95-lọc 95% bụi mịn PM 2.5 (1.000 - 2.500nm) và vi khuẩn. Các loại khẩu trang chuyên dụng N95 được dùng cho nhân viên y tế làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh hoặc cho người đi vào vùng dịch hoặc nơi cách ly bệnh nhân, nghi ngờ có virus.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng người dân không nên quá hoang mang và phải biết cách phòng bệnh. Đó là không tiếp xúc với những người bệnh có các biểu hiện nghi ngờ viêm phổi và cả những bệnh khác để hạn chế lây lan cho mình.
Cách sử dụng khẩu trang y tế hiệu quả
Theo Bộ Y tế, để khẩu trang y tế thông thường có thể phát huy tác dụng tốt trong phòng bệnh do virus Corona, điều quan trọng là cần phải đeo khẩu trang đúng cách, cụ thể:
Đeo đúng mặt: Dùng ngón trỏ và ngón giữa của hai tay kéo và luồn hai vòng dây khẩu trang vào hai vành tai. Mặt trong của khẩu trang tiếp xúc với da mặt của bạn. Mặt trong thường nhạt màu và mịn hơn, mặt ngoài thường có màu đậm (đỏ, lục, lam...). Mặt ngoài luôn tiếp xúc với vi khuẩn, droplet, bụi bẩn, vì thế khi tháo ra đeo lại các bạn tuyệt đối không được bất cẩn xoay lớp ngoài vào trong sát với miệng mũi của mình.
Tốt nhất khi chỉ đeo một khẩu trang một lần trong một ngày và không tái sử dụng hoặc cất vào túi cá nhân.
Đeo đúng chiều: Mặt trên của khẩu trang có đường viền thường gắn một sợi kim loại mỏng, khi đeo bạn nên dùng ngón cái và ngón trỏ bóp sợi kim loại theo hình dạng mũi, giữ kín cho vị trí tiếp xúc của khẩu trang với sóng mũi. Mặt dưới của khẩu trang thường có đường dập liền mềm mại để đảm bảo kín với cằm.
Đeo khẩu trang N95 phải đeo khít kín khuôn mặt thì mới đạt được hiệu quả mong muốn. Do vậy, trẻ con không dùng được vì mặt nhỏ. Người râu nhiều cũng không đeo được. Người có bệnh phổi, bệnh tim mạch cũng không đeo lâu được, nên nhà sản xuất mới làm thêm van thở để khắc phục nhược điểm này.
Mục đích đeo khẩu trang trong việc ngăn ngừa truyền nhiễm bệnh Corona là ngăn ngừa các hạt droplet có chứa virus văng ra từ người bệnh qua việc hắt xì hoặc ho, chứ không ngăn ngừa được virus xâm nhập vào các vi lỗ của khẩu trang. Tốt nhất sau khi tiếp xúc với người có dấu hiệu ho hay hắt xì hơi bạn nên rửa tay và thay khẩu trang mới.
* Theo Bộ Y tế, đến chiều ngày 31/1, toàn cầu có trên 9.800 trường hợp nhiễm virus Corona, trong đó có 213 trường hợp tử vong. So với ngày 30/1, số ca tử vong tăng 43 trường hợp tử vong, tất cả số người tử vong do virus này đều là người Trung Quốc. Hiện quốc gia này có 9.807 trường hợp nhiễm virus Corona.
Đến ngày 31/1, có thêm 2 quốc gia xuất hiện hiện bệnh nhân mắc nCoV. Như vậy, hiện có tổng số 21 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc.
21 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc như sau: Thái Lan: 14 trường hợp; Australia: 9 trường hợp; Singapore: 10 trường hợp; Mỹ: 6 trường hợp; Nhật Bản: 11 trường hợp; Malaysia: 8 trường hợp; Hàn Quốc: 4 trường hợp; Pháp: 5 trường hợp; Việt Nam: 5 trường hợp; Campuchia: 1 trường hợp; Canada: 3 trường hợp; Đức: 4 trường hợp; Nepal: 1 trường hợp; Sri Lanka: 1 trường hợp; Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất: 4 trường hợp; Phần Lan: 1 trường hợp; Hồng Kông (Trung Quốc): 10 trường hợp; Macau (Trung Quốc): 7 trường hợp; Đài Loan (Trung Quốc): 9 trường hợp; Ấn Độ: 1 trường hợp và Philippines: 1 trường hợp.
Rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (2019nCoV) gây ra.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lan rộng nhanh chóng tại Trung Quốc. "Lý do chính của quyết định này không chỉ là do những gì đang diễn ra tại Trung Quốc mà còn do tình hình dịch bệnh tại những quốc gia khác", Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesusncho biết trong thông báo được đưa ra trong cuộc họp báo tại Geneva.
Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn