Đó là thầy giáo N.V.T (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) mua được 2 hộp khẩu trang của một người bán dạo với giá 130.000 đồng/hộp 50 cái (tương đương 2.600 đồng/cái). Sau đó, thầy T. đem về "chia" lại cho học sinh giá 3.000/cái. Tổng cộng thầy đã "thu lợi" 8.000 đồng.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, các ban ngành chức năng của huyện đã vào cuộc. Nhà trường cũng tổ chức kiểm điểm thầy giáo.
Trong câu chuyện này, các ban ngành chức năng của huyện đã làm dư luận vô cùng ngạc nhiên bởi sự mẫn cán, quyết liệt và kịp thời của họ trong khi xử lý vụ việc.
Nhưng trên hết cần nói rằng đây có phải là một sự việc cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng?
Thầy giáo chỉ bán lại 20 chiếc khẩu trang, tổng số tiền giao dịch là 60.000 đồng, tổng số lãi chỉ là 8.000 đồng. Rõ ràng là một số tiền rất nhỏ, chênh lệch giữa "gốc" và "lãi" cũng chẳng đáng là bao. Cũng cần phải nói một cách rõ ràng là trong trường hợp này, để bán đúng với giá mua vào là cả một câu chuyện rất khó thực hiện. Vì để làm điều đó, thầy T cần phải có những tờ 200 đồng để trả lại cho học sinh của mình. Nhưng đến thời điểm này chắc chắc những tờ tiền mệnh giá này chỉ còn sót lại trong ví những người giữ nó làm kỷ niệm. Còn thực tế thị trường từ lâu đã hoàn toàn không lưu hành vì nó chẳng thể mua được bất cứ thứ gì.
Cần phải chi tiết đến như vậy để thấy rằng về mặt ý chí, thầy T hoàn toàn không có ý định làm kinh tế, hoàn toàn không mong "thu lợi bất chính".
Ngay cả số tiền "lãi" 8.000 đồng cũng thật khôi hài nếu ai đó nghĩ rằng, với thời giá hiện tại có thể mua được một bữa ăn sáng?
Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao cơ quan chức năng của huyện lại tận tâm, sốt sắng đến vậy. Và ngay cả khi không có căn cứ gì để "xử lý" bằng những biện pháp mạnh tay, họ vẫn còn một cách xử lý nữa: Bắt thầy làm kiểm điểm. Một lần nữa, họ bất chấp cả pháp luật, tự nghĩ ra "hình phạt" để áp dụng bằng được cho một thầy giáo tội nghiệp.
Khi dịch bệnh mới xuất hiện, trên thị trường cả nước đã xuất hiện tình trạng tăng giá, găm hàng, thậm chí bán với giá gấp vài chục lần giá trị thực của khẩu trang. Chưa hết, tư thương, doanh nghiệp còn ra sức vơ vét khẩu trang xuất khẩu trái phép bán qua biên giới trục lợi. Hàng loạt các nhà thuốc tăng giá khẩu trang, và khi cơ quan chức năng kiểm tra ngăn chặn thì họ lại "dằn dỗi" quay lưng và từ chối bán mặt hàng đang trở nên thiết yếu này.
Cho dù đã vào cuộc, đã xử lý nhưng không ai dám khẳng định tất cả các trường hợp vi phạm đều bị phát hiện và xử lý nghiêm minh.
Mới đây nhất, một giám đốc bệnh viện đa khoa của một quận tại TPHCM cũng đã bị tố đã thu gom và bán ra nước ngoài 50 triệu chiếc khẩu trang để trục lợi hàng tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng nhiều lần phát hiện những số lượng khẩu trang thu gom lên đến hàng triệu chiếc để buôn lậu qua biên giới.
Nhưng dường như, khi dịch bệnh xuất hiện, khẩu trang lên ngôi là lúc nhiều nhà giáo vướng vào "thi phi", thậm chí suýt "lao lý".
Cách đây ít lâu, một cô giáo ở Nghệ An cũng đã bị phê bình vì chụp ảnh học sinh đeo khẩu trang giấy sau đưa lên mạng xã hội.
Một cơ quan hành chính khi thực hiện hành vi hành chính hoặc ban hành một quyết định hành chính cần phải đảm bảo cả hai yếu tố tính hợp pháp và tính hợp lý. Trong trường hợp này, căn cứ để xử lý hành chính hoàn toàn không có, và việc nhà trường yêu cầu thầy giáo làm kiểm điểm cũng là hoàn toàn vô lý.
Nhưng thật cay đắng khi chính thầy giáo lại phải làm kiểm điểm dưới sức ép của chính quyền huyện. Cả khi trao đổi với báo chí, thầy chỉ có thể một mực khẳng định: "Chính quyền đúng, tôi sai".
Ở một góc độ khác, người dân hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi: Trong mùa dịch, phải chăng những cơ quan hành chính huyện Đầm Dơi không còn việc gì quan trọng đáng làm hơn là chỉ đạo kiểm điểm một thầy giáo bán 20 chiếc khẩu trang?
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn