Hiện nay, khẩu trang y tế trở thành vật tư quan trọng đặc biệt đối với đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng, khẩu trang y tế ngày càng khan hiếm trên thị trường. Xuất phát từ thực tế đó, các chị em đoàn viên Đoàn Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh đã nghĩ ra ý tưởng may khẩu trang y tế để trang bị cho các nhân viên của trung tâm, các trạm y tế và các khu cách ly trên địa bàn.
Chị Trần Thùy Linh - Phó Bí thư Đoàn Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh - cho biết: Để làm được khẩu trang trong giai đoạn này, công đoạn tìm kiếm nguyên vật liệu vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, nhóm đã sáng tạo ra nhiều nguồn nguyên vật liệu thay thế.
Ban đầu, các đoàn viên tìm kiếm nguồn để mua lớp vải không dệt chống thấm nước làm lớp ngoài cho khẩu trang, còn để chống được dịch tiết tối đa nhất, chị em quyết định làm 2 lớp vải không dệt. Lớp ở trong, do vải lọc thấm hút ẩm chuyên dụng và lớp vải lọc kháng khuẩn rất khó để mua, nên nhóm đã dùng 2 phương án thay thế là lớp bông gòn hoặc lớp vải màng lọc không thấm nước.
"Cái khó nữa là đa số chị em đều không biết sử dụng máy may, nên lúc đầu mọi người khá bỡ ngỡ. Một số chị có máy may cá nhân nhưng chủ yếu để vá quần áo chứ cũng không chuyên. Vậy nên, mẫu mã chiếc khẩu trang ban đầu hơi thô. Hiện nay, sau 1 tháng làm quen tay, chúng tôi đã đổi mẫu mới, hình dáng chiếc khẩu trang trông đẹp hơn và người dùng cảm thấy thoải mái hơn", chị Trần Thùy Linh chia sẻ.
Hiện tại, trung tâm có khoảng 10-15 chị em tham gia may chính. Mọi người tranh thủ các khoảng thời gian nghỉ trưa hoặc ở lại vào cuối giờ chiều để cùng may. Mỗi người mỗi khâu để đẩy nhanh tiến độ. Các "thợ may" thì chia người đảm nhận nhiệm vụ may cố định nếp gấp, người thì may hoàn thiện. Những chị mắt kém không may được thì phụ cắt, bấm chỉ, may dây thun, đóng gói cuối cùng là hấp tiệt trùng.
Đối với công đoạn tiệt trùng, khẩu trang được đóng thành từng gói gồm 5 chiếc, sấy khô ở nhiệt độ 121 độ C, thời gian 20 phút, dán tem ghi rõ ngày tháng đóng gói. Như vậy sẽ đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh cho khẩu trang trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Số lượng may mỗi ngày tùy thuộc vào số thành viên tham gia nhiều hay ít và phụ thuộc vào công việc chuyên môn có nhiều thời gian rảnh hay không. Đến nay, các chị đã may được gần 500 chiếc.
Cũng theo chị Trần Thùy Linh, trên địa bàn huyện hiện nay có 2 khu cách ly, vừa làm sao để cung cấp đủ khẩu trang cho người được theo dõi, vừa cung cấp khẩu trang cho nhân viên y tế nên các đoàn viên đang làm việc hết công suất, tranh thủ làm cả ban đêm.
Ngoài việc may khẩu trang, ngay từ đầu mùa dịch, các đoàn viên đã kết hợp với khoa dược của Trung tâm để pha chế nước rửa tay khử khuẩn phát miễn phí cho các xã, trạm y tế, khu vực cách ly và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn huyện.
Lương Gia Linh, nhân viên phòng tổ chức hành chính, Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh, chia sẻ những ngày đầu học may cô rất lo lắng. Bởi lẽ, Linh chưa từng tiếp xúc với máy may trước đó, cô sợ may sai sẽ làm hỏng vật liệu trong thời buổi khan hiếm này. Vậy nên, cô đã nhặt lại những khẩu trang may hư để thực hành. Sau vài ngày học hỏi và tự rèn luyện, cuối cùng cô cũng trở thành "thợ may" như bây giờ.
"Khi làm được chiếc khẩu trang thành phẩm đầu tiên, em cảm thấy rất vui và hạnh phúc, mặc dù đường chỉ chưa được đẹp lắm nhưng mọi người vẫn khen. Em cảm thấy ở giai đoạn này, mỗi người một việc nhỏ sẽ góp phần rất lớn trong công tác đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm. Vậy nên, em sẽ tranh thủ thời gian để may cùng mọi người, có về trễ chút cũng không sao cả", Gia Linh bày tỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn