Khen thưởng khi sinh 2 con một bề: Có thật sự phù hợp?

20:10 | 24/03/2021;
Thông tư 01/2021/TT-BYT của Bộ Y tế cho biết, tùy theo hoàn cảnh của từng địa phương, từ 10/3/2021, khi người dân sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm con thì được khen thưởng bằng nhiều cách khác nhau. Việc này dù nhằm xây dựng chính sách khuyến khích cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác dân số nhưng hiện vẫn còn nhiều ý kiến phản biện.
Không mưu cầu được khen thưởng

Điều 4 của Thông tư liên quan đến việc hướng dẫn một số nội dung khuyến khích kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 01/2021/TT-BYT của Bộ Y tế nêu rõ: Căn cứ mục tiêu chính sách dân số và thực tiễn, để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, địa phương lựa chọn, quyết định một số nội dung cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ cho cặp vợ chồng sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm con như tôn vinh, biểu dương việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan, con học giỏi, thành đạt; miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế học sinh; hỗ trợ sữa học đường và các nội dung, hình thức phù hợp khác.

Với tập thể, các xã đạt 100% thôn đã có nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong hương ước, quy ước được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng một lần kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, việc các cặp vợ chồng sinh con một bề (có ký cam kết không sinh thêm con) có thuộc diện được khuyến khích, hỗ trợ hay không còn tùy thuộc vào tình hình thực tế tại từng địa phương, do địa phương quyết định. Không phải bất cứ người dân nào sinh 2 con một bề là được hưởng sự hỗ trợ và nhận phần thưởng.

Dù vậy, Thông tư này được đưa ra cũng khiến nhiều chuyên gia ngành xã hội học phản biện. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, cho biết: "Cách đây vài năm, Tổng cục Dân số cũng định đưa việc này ra nhưng tôi và vài chuyên gia khác đã lên tiếng phản đối. Không hiểu sao tới giờ thì lại tiếp tục triển khai?".

Một chuyên gia ngành xã hội học khác (xin giấu tên) cũng cho biết, chính sách khen thưởng, hỗ trợ, khuyến khích cho các cặp vợ chồng sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm, vô hình trung tạo sâu vết hằn suy nghĩ rằng, sinh con một bề là quá thiệt thòi. Trong khi phần lớn các gia đình đó không bị nặng nề về suy nghĩ này. Nhiều gia đình rất thoải mái, "sinh con trai hay gái cũng đều vui". Vì điều đó, họ cũng không tính sinh thêm con. Người trong cuộc không có thấy điều gì phải "lăn tăn suy nghĩ", không mưu cầu việc phải khen thưởng gì cả, trong khi chính sách xã hội lại rất lưu tâm, chính là một sự can thiệp thô bạo vào cuộc sống riêng tư của người dân.

"Việc thưởng kia có khác chi với sự an ủi, bù đắp của xã hội, coi như gia đình nào đó sinh con một bề là điều đáng phải đồng cảm, như vậy là quá vô duyên. Hơn thế nữa, Thông tư cũng không chỉ rõ con một bề là bề trai hay gái? Nếu chỉ là gái mà được thưởng thì với diễn tiến tư duy như vậy, sẽ không công bằng với các gia đình chỉ có một bề là trai. Còn nếu cả 2 thì lại... hòa cả làng", chuyên gia này cho biết.

Khen thưởng khi sinh 2 con một bề: Có thật sự phù hợp? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Đừng giải quyết cái ngọn của vấn đề

"Một số gợi ý được nêu ra trong thông tư như giải pháp trước mắt khuyến khích các cá nhân/gia đình kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Mỗi địa phương tùy vào tình hình cụ thể của địa phương mình có thể cân nhắc và lựa chọn những biện pháp khuyến khích phù hợp. Tuy nhiên, đề cập tới chi tiết nhấn mạnh "khuyến khích, hỗ trợ cho cặp vợ chồng sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm con" thì tôi nghĩ rằng nếu được thực hiện ở địa phương nào đó thì cũng chỉ là giải pháp trước mắt", chuyên gia xã hội học, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh cho PV Báo PNVN biết

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, nhược điểm của giải pháp này có thể tạo ra những bất cập. Những gia đình sinh con 2 bề và cũng dừng ở 2 con, họ cũng thực hiện đúng quy định về chính sách dân số nhưng họ lại không được thưởng. Vậy thì đôi khi lại hiểu sinh con 1 bề trở thành ưu thế chăng? Như vậy sinh con 2 bề liệu có thành yếu thế?

Với cách nhìn của các chuyên gia xã hội học, các giải pháp nên hướng đến những mục tiêu lâu dài và thay đổi căn cốt, gốc rễ tư tưởng trọng nam khinh nữ, đặc biệt trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vấn đề về nối dõi, dòng họ.

"Các giải pháp hướng đến pha loãng và xóa bỏ tư tưởng quan niệm "Nữ nhân ngoại tộc bất nhập từ đường" bằng quan niệm "Trai mà chi gái mà chi, con nào có nghĩa có nghì thì nên", Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh khẳng định

Như vậy, chính sách dân số cũng khó có thể thành công nếu được thực hiện đơn phương độc mã. Nó cần được thực hiện đồng bộ trong sự thúc đẩy các chính sách, pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền, tạo bình đẳng thực sự ngoài xã hội. Nếu chỉ làm rời rạc, lẻ tẻ thì cũng là một cách hình thức khen thưởng lấy lệ, thậm chí là ấu trĩ và hời hợt.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn