Canxi là một trong những khoáng chất quan trọng bậc nhất của cơ thể. Chúng ta cần chúng để xây dựng xương khớp và hàm răng chắc khỏe. Bên cạnh đó, canxi cũng cần thiết để tim và các bộ phận khác hoạt động trơn tru.
Theo Healthline, khi cơ thể không nhận đủ canxi thì sẽ phải đối mặt với những hậu quả như:
- Loãng xương
- Giảm xương
- Bệnh thiếu canxi (hạ canxi máu).
- Trẻ không được cung cấp đủ canxi có thể không phát triển chiều cao đầy đủ tiềm năng khi trưởng thành.
Qua quá trình lão hóa, nhiều người có nguy cơ bị thiếu canxi. Ngoài ra, sự thiếu hụt này có thể do nhiều yếu tố, bao gồm:
- Hấp thụ canxi kém trong một thời gian dài, đặc biệt là trong thời thơ ấu.
- Sử dụng một số loại thuốc làm giảm hấp thu canxi.
- Chế độ ăn uống không dung nạp thực phẩm giàu canxi.
- Thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là ở phụ nữ.
- Một số yếu tố di truyền.
1. Xuất hiện các vấn đề về xương khớp
Nếu cơ thể bạn đang trong tình trạng thiếu hụt canxi, triệu chứng dễ nhận thấy nhất là đau nhức cơ, chuột rút và co thắt... đặc biệt là ở phần đùi, cánh tay khi đi bộ và di chuyển.
Sự thiếu hụt canxi cũng có thể gây tê và ngứa ran ở bàn tay, cánh tay, bàn chân, chân và quanh miệng.
Đặc biệt, khi thiếu canxi, cơ thể sẽ dễ loãng xương, dễ gãy xương, rút ngắn chiều cao, gù lưng, tăng sản xương, đau lưng, đi lại không thuận tiện...
2. Cơ thể vô cùng mệt mỏi
Hàm lượng canxi thấp có thể gây mất ngủ hoặc buồn ngủ. Cảm giác mệt mỏi liên quan đến thiếu canxi có thể khiến bạn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, thiếu tập trung, hay quên và lú lẫn.
Ngoài ra, khi ở trong tình trạng mất canxi, bạn sẽ dễ tỉnh giấc vào ban đêm, không dễ chìm vào giấc ngủ. Đồng thời cảm thấy chán ăn, sức đề kháng cơ thể thấp, dễ cảm lạnh, da kém...
3. Ảnh hưởng đến móng và da
Khi cơ thể thiếu canxi, da bạn có thể trở nên khô và ngứa, thậm chí các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra có sự liên quan giữa hạ canxi máu với bệnh chàm và bệnh vẩy nến.
Ngoài ra, sự thiếu hụt canxi có thể dẫn đến tình trạng móng tay khô, gãy và dễ gãy. Nó cũng có thể góp phần gây tóc yếu, dễ rụng.
4. Các vấn đề về răng
Khi cơ thể thiếu canxi, thì không chỉ xương khớp mà răng cũng bị ảnh hưởng. Lúc này, chân răng có thể yếu, nướu bị kích thích, răng giòn và gây sâu răng.
Ngoài ra, thiếu canxi ở trẻ sơ sinh có thể làm chậm quá trình hình thành răng.
5. Suy nhược cơ thể, trầm cảm
Thiếu canxi có liên quan đến rối loạn tâm trạng, bao gồm cả trầm cảm. Bất cứ ai nghi ngờ rằng sự thiếu hụt canxi đang tác động vào các triệu chứng trầm cảm nên yêu cầu bác sĩ làm các xét nghiệm và kiểm tra nồng độ canxi trong máu.
Một số thực phẩm giàu canxi bao gồm:
- Các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa, pho mát và sữa chua: Trong sữa có chứa một lượng lớn protein, cứ 250g sữa thì có hơn 250mg canxi. Đồng thời, các sản phẩm từ sữa cũng rất giàu kali và magiê, có thể thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi.
- Các loại đậu.
- Quả sung.
- Rau xanh: Ăn rau không chỉ chứa nhiều kali và magiê, giúp duy trì cân bằng axit mà còn giảm sự mất canxi, đồng thời, bản thân rau cũng chứa nhiều canxi. Vì vậy, chúng ta nên ăn nhiều rau củ bổ sung canxi như hạt cải thảo, cần tây, bông cải xanh...
- Đậu hũ.
- Sữa đậu nành: Đậu nành là thực phẩm giàu protein và chứa nhiều canxi. 500 gram sữa đậu nành chứa 120mg canxi. Ngoài ra, ăn nhiều sản phẩm khác từ đậu nành cũng có thể bổ sung canxi hiệu quả.
- Ngũ cốc.
- Các loại hạt kể cả hạnh nhân và hạt vừng.
Lượng canxi khuyến nghị hàng ngày trong chế độ ăn uống là 1.000mg cho những người từ 19–50 tuổi, trong khi trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tuổi có xu hướng yêu cầu nhiều hơn.
Bạn không nên tự ý bổ sung canxi mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước. Quá nhiều canxi làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, sỏi thận và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Khi sự thiếu hụt canxi trở nên nghiêm trọng, hoặc khi đã bổ sung các chất dinh dưỡng mà vẫn không thu được kết quả khả quan, bạn nên tìm đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị.
(T/h)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn