Khi “bình yên” cũng là điều xa xỉ

14:30 | 08/03/2021;
Cô Thu quê gốc ở Đồng Tháp, lập gia đình rồi lần lượt hạ sinh 6 người con. Vậy nhưng, 5 người con đầu đều mất sau vài ngày khóc chào đời. Cái nghèo không cho cô cơ hội biết tường tận vì sao mà con mất, cô chỉ biết nén nỗi đau mà lầm lũi sống, mà chịu đựng sự chua cay và bạo hành của chồng. May sao, người con thứ 6 là Huỳnh Thị Rin sống sót, đến nay được 33 tuổi.

Clip về hoàn cảnh gia đình Cô Trần Thị Thu, Đắk Nông do Khát vọng sống thực hiện

Cuộc sống nghèo khó nhưng cô vẫn cố gắng làm thuê làm mướn để lo cho gia đình, nghịch cảnh bắt đầu ập tới vào năm Rin lên 7 tuổi. Năm đó, Rin bị sốt, rồi động kinh, cô gom góp đưa con gái đi chữa trị, nhưng cuối cùng, căn bệnh ấy theo chị suốt đời, mỗi lần mệt mỏi, nắng nóng, Rin mất ý thức, chẳng còn biết ai là ai.

Cảnh nghèo là thế, bệnh tật của con là vậy, cô Thu còn là nạn nhân của việc bạo hành gia đình. Cô thường xuyên nhận những trận đòn vô cớ của chồng. Có lần cô trốn đi, nhưng lại bị bắt về, không thể chịu đựng được nữa, cô ôm con trốn lên Đồng Nai, rồi lại tiếp tục lên thị trấn Đức An, huyện Đắk Sông, tỉnh Đắk Nông để làm thuê làm mướn kiếm sống. Hai mẹ con nương tựa vào nhau, cố gắng mà đối mặt với nghịch cảnh.

Thời gian trôi đi, cô cũng ráng gánh gồng với cảnh nghèo khó, làm thuê, ở trọ, rồi dựng gia đình cho chị Rin. Sau khi cưới, chị Rin về làm dâu ở Bình Thuận và có một con trai là bé Nguyễn Quang Khanh.

Năm 2015, người chủ đất tốt bụng biết hoàn cảnh khó khăn của cô và nỗ lực thoát khỏi sự bạo hành gia đình, đã thương tình bán góp cho cô 2 ha đất rẫy đồi với giá 80 triệu đồng, cho trả chậm từng tháng. Tại đây, cô dựng tạm căn nhà bằng tôn để che mưa che nắng. Nhưng họa vô đơn chí, vừa mua đất xong, cô lại bị tai nạn giao thông. Tiền bạc lúc đó chẳng còn, nên cô chẳng thể đi bệnh viện để chữa trị, nên hậu quả là chân của cô bị rút gân, bàn chân lật ngang, đi lại rất khó khăn. Đã vậy, chị Rin có lẽ do nghèo rồi tâm trí lúc tỉnh lúc mê, nên cũng đứt gãy hôn nhân, chị bồng con lên nương nhờ mẹ. Làm sao có thể bỏ con, bỏ cháu? Nên cô lại dang tay cưu mang, dù cuộc sống khó khăn chồng chất.

Khi “bình yên” cũng là điều xa xỉ - Ảnh 2.

Cô Trần thị Thu cùng con gái và cháu ngoại trong căn nhà tạm bợ

Chị Rin đi làm thuê, nhưng với bệnh tình của chị, người thuê chỉ là vì thương cho hoàn cảnh gia đình. Một tháng chị chỉ làm được có vài ngày, thu nhập không đáng kể. Cô Thu dù sức khỏe không còn, vẫn cố gắng làm thuê, lúc hái tiêu lúc nhổ cỏ để cố mà gồng gánh cho con gái và đứa cháu ngoại bị chậm phát triển.

Khi không có việc, cô vào chùa làm công quả, các Sư Thầy biết hoàn cảnh, nên nay cho mì mai cho gạo, để gia đình cô có cái mà sống qua ngày. Chùa cũng giúp cho gia đình sửa lại căn nhà một chút, dù chỉ là tôn lắp ghép, trống trước hở sau. Vì đất trên rẫy đồi, không có nguồn nước nên cũng không canh tác được gì. Căn nhà bốn bề gió lộng, không nước, không điện, chỉ thắp sáng lờ mờ bằng bóng đèn loe loét từ bình ắc quy.

Với hoàn cảnh như vậy, bình yên là một thứ gì đó quá xa xỉ, mà cô Thu kiếm tìm bao lâu nay vẫn chưa tìm thấy.


Chia sẻ xin gửi về: Gia đình Cô Trần Thị Thu – Địa chỉ: Tổ 4, Thị trấn Đức An, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông - hoặc BTC chương trình Khát Vọng Sống: Công ty Cổ phần Quảng cáo Nhất – 82 Nguyễn Phi Khanh, P. Tân Định, Q.1 – TP HCM. Điện thoại (84.028) 38.207.084.

Thông tin về chương trình và tấm lòng vàng xin vui lòng truy cập: www.khatvongsong.uniad.com.vn.

***Chương trình do Báo Phụ nữ Việt Nam bảo trợ thông tin.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn