Mát mẻ, dễ chịu là cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân tới Bắc Hà (Lào Cai). Đó thực sự là một phần thưởng đáng giá cho việc chạy xe 5 tiếng đồng hồ để rời "chảo lửa" Hà Nội đang đợt nắng nóng cao điểm. Với độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, ngay cả khi Hà Nội nóng 39-40 độ C thì Bắc Hà vẫn chỉ khoảng 25 độ, về đêm còn se lạnh.
Bắc Hà mùa này không bồng bềnh sương, cũng không có hoa mơ hoa mận nở trắng rừng, nhưng bù lại, du khách sẽ được nếm trải sự hồi hộp, ú tim khi đi trên những cung đường đèo hiểm trở trong tiết trời quang mây tạnh, nhìn từ trên cao thấy rõ mồn một những chiếc xe dưới chân núi đang nối nhau leo dốc. Chạy xe đến lưng chừng đèo, hiện ra trước mắt chúng tôi là từng rừng cây vân sam ngọn cao vút, càng lên cao loài cây họ thông này càng nhiều, khiến tôi ngỡ như mình đang đi lạc vào những khu rừng châu Âu...
Thị trấn Bắc Hà những ngày cuối tháng 7 thật yên bình. Du khách ngoại quốc vắng bóng, còn khách trong nước thời điểm này chắc còn tranh thủ chiến dịch kích cầu du lịch nội địa với giá ưu đãi để đến những vùng biển sầm uất nên cũng không đến đây nhiều. Vì thế, bạn có thể đi nhẩn nha đi dạo ở phố núi, hay ghé các điểm "check-in" nổi tiếng ở đây chụp ảnh thoải mái, không phải chịu cảnh xếp hàng đợi đến lượt rồi chụp vội vội vàng vàng như nhiều nơi khác.
Chẳng hạn, vào Dinh thự Hoàng A Tường, bạn không những được miễn phí vé tham quan (cho đến hết tháng 12 năm nay bởi chính sách kích cầu du lịch sau Covid-19) mà còn thỏa sức chọn cho mình những góc "sống ảo" đẹp nhất mà trước kia rất khó thực hiện bởi lượng người ra vào tấp nập. Khu dinh thự do cha con thổ ty Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng xây dựng với sự kết hợp của kiến trúc Gothic và Trung Hoa quyện hòa độc đáo này mang trong mình nhiều câu chuyện bí ẩn gắn với lịch sử Bắc Hà của thế kỷ trước. 100 năm tồn tại với thời gian, dinh thự quyền lực nhất vùng Tây Bắc một thời nay đã phủ rêu phong này vẫn toát lên vẻ uy nghi, khiến cả những du khách nhí đang tuổi học sinh cũng cảm thấy hấp dẫn, thích thú.
Người dân bản địa biểu diễn văn nghệ tại chợ đêm Bắc Hà
Đêm xuống, sau khi thưởng thức món gà đen trứ danh và thịt ngựa xào măng đặc sản Bắc Hà (với giá không quá đắt và có niêm yết rõ ràng, không có chuyện "chặt chém" như một số điểm du lịch), gia đình nhỏ chúng tôi thong thả dạo bộ quanh phố núi, đi chợ đêm Bắc Hà ở khu vực ngã năm trước cổng đền Bắc Hà. Gọi là chợ, nhưng nơi đây không mua bán hàng hóa mà là điểm để du khách giao lưu, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao vào mỗi tối thứ 7. Những tiết mục văn nghệ truyền thống như múa xòe, thổi sáo, khèn môi... được chính bà con dân tộc bản địa biểu diễn, thu hút du khách bởi sự hồn nhiên, mộc mạc, thậm chí là còn có phần thô vụng...
Kết thúc chợ đêm là vòng xòe đoàn kết. Các nghệ sĩ bản làng sau khi biểu diễn trên sân khấu thì nắm tay nhau kết xòe quanh đống lửa to, kéo người dân và du khách tạo thành vòng xòe lớn, nhảy theo tiếng nhạc đến gần khuya. Tôi vốn là người khá e dè trong các sinh hoạt tập thể mà cũng không ngần ngại nhập vào vòng xòe, nhảy cùng mọi người, thấy lòng mình thật phấn khích, vui vẻ. Rời chợ đêm Bắc Hà, gia đình nhỏ chúng tôi nắm chặt tay nhau, cảm nhận sự ấm áp lan tỏa trong trời đêm se lạnh...
Du khách tới Bắc Hà thường chọn homestay để trải nghiệm rõ nét cuộc sống, văn hóa của người dân bản địa. Gia đình tôi có con nhỏ nên chọn khách sạn vùng trung tâm thị trấn để tiện di chuyển. Giá khách sạn ở đây khá rẻ, 500 nghìn là đã thuê được phòng khá ổn cho gia đình 4 người. Đó cũng là mức giá cao hàng đầu cho việc lưu trú tại Bắc Hà, bởi nơi này phù hợp với những ai thích khám phá trải nghiệm nhiều hơn là tìm chỗ nghỉ ngơi sang chảnh. Tại Bắc Hà chưa có những dịch vụ du lịch đẳng cấp để du khách có điều kiện sẵn sàng chi tiền.
Sáng chủ nhật, chúng tôi dậy sớm để đi chợ phiên Bắc Hà – điểm hấp dẫn nhất kéo du khách tới vùng cao này. Chợ phiên thuộc hàng lớn nhất Tây Bắc, từng lọt top 10 khu chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á này không khiến du khách thất vọng bởi sự nhộn nhịp, đa màu sắc của mình. Bạn có thể tìm mua được bất cứ thứ gì ở chợ, từ nồi niêu, cuốc xẻng, quần áo, lương thực, thực phẩm, trâu bò, lợn gà, chó ngựa… Những người phụ nữ Mông, Tày, Nùng, Dao… xuống chợ trong váy áo truyền thống, khiến phiên chợ vùng cao càng thêm rực rỡ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chợ vắng bóng khách nước ngoài, khách Việt cũng không nhiều, bởi thế mà chúng tôi có cơ hội được tận hưởng một chợ phiên Bắc Hà gần nguyên vẹn như vốn có của người dân bản địa. Sau một tuần lao động, người Bắc Hà và các vùng lân cận tụ về như đi hội, mang những món hàng mình nuôi trồng hay tìm được trong rừng xuống chợ để mua bán, trao đổi. Tôi được dịp mua về các sản vật của núi rừng như dưa chuột Mèo, quả dâu da rừng, hà thủ ô, tam thất và cả một giò phong lan rừng mọc nguyên vẹn trên khúc gỗ mục.
Tất nhiên, tôi không thể bỏ qua dịp thưởng thức các món ăn đặc trưng của Bắc Hà, từ bánh đúc ngô, xôi ngũ sắc, mèn mén, phở chua… Riêng món thắng cố đặc sản nơi đây, phải thú thực là dù được nghe rất nhiều lời khen ngợi nhưng tôi vẫn không đủ dũng cảm nếm thử.
Một điều rất dễ chịu là ở chợ phiên Bắc Hà không có cảnh chèo kéo, mời mọc. Người dân ở đây cũng rất vui vẻ, nhiệt tình khi du khách muốn chụp ảnh cùng. Khi tôi ngỏ lời hỏi một cậu thanh niên người Mông bán hoa phong lan rằng cậu có số điện thoại không, cậu vui vẻ trả lời: "Em còn có cả Zalo nữa nhé!". Không hiểu sao tôi thấy vui vui vì điều đó…
Có người nói, nếu ở Bắc Hà mấy ngày thì biết làm gì cho hết thời gian. Tôi lại cảm thấy nuối tiếc vì đã không sắp xếp thời gian để có thể ở lại lâu hơn, bởi tôi biết còn rất nhiều điều ở vùng đất này mà tôi chưa có cơ hội để khám phá…
Một số hình ảnh của chợ phiên Bắc Hà:
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn