Trong gia đình, cả bố và mẹ đều đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là những người thầy đầu tiên trong việc định hướng và hình thành tính cách của con trong tương lai. Bởi vậy, sẽ thật khó khăn cho trẻ nếu như bố mẹ chúng không nhất quán trong phương pháp giáo dục, mỗi người dạy một kiểu sẽ khiến các con bị ''lạc lối'', không biết phải nghe ai. Dần dần chúng có xu hướng dựa theo người hay an ủi mình, ghét bỏ hoặc thậm chí là phớt lờ người còn lại.
Đây là hiện trạng thực tế của không ít gia đình hiện nay, trong khi mẹ có xu hướng an ủi, vỗ về, bảo vệ con thì bố dường như nóng tính, khó kiềm chế và dùng đòn roi để giải quyết vấn đề. Tình trạng này kéo dài khiến người mẹ cảm thấy cô đơn, bế tắc về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong chính gia đình của mình. Không ít người mẹ, người vợ phải đối mặt với áp lực, stress trong việc giáo dục và chăm sóc con cái, đặc biệt là khi bất đồng quan điểm dạy con với chồng.
Chị Thu Ngân (giáo viên chăm sóc trẻ 0-6 tuổi ở Pháp, đồng thời là Cố vấn Giáo dục cảm xúc một blog về Nuôi dạy con) hiện đang sống và làm việc tại thành phố Toulouse, Pháp đã chia sẻ quan điểm của bản thân về mâu thuẫn này.
Từng có thời gian bà mẹ trẻ sống trong nước mắt vì không thể giải quyết vấn đề dạy con với chồng. Tuy nhiên, sau khi bình tĩnh lại và áp dụng cách dưới đây, mọi chuyện đã dần được giải quyết. Cùng lắng nghe những chia sẻ của chị Ngân qua những dòng tâm sự dưới đây.
Trong quá trình ''gian nan'' học làm cha mẹ, điều gì là khó khăn nhất đối với các Bố/Mẹ?
Đối với mình chính là chuyện anh chồng không hề chia sẻ chung một quan điểm. Lại thêm anh ấy là người rất nóng tính nên mỗi lần cáu giận lên, nghe chồng quát con, con khóc con sợ mà lòng mình như xát muối. Mình tìm các bài viết về phương pháp cha mẹ tích cực gửi cho chồng, anh ấy không hề đọc, còn thẳng thắn nói với mình ''Anh không quan tâm đâu''.
Mình là giáo viên chăm sóc trẻ 0-6 tuổi trực thuộc hệ thống giáo dục của Pháp, nhưng mỗi lần mình nói chuyện với chồng về việc phải giảm quát mắng, không đòn roi hay ngừng dán nhãn, chồng mình đều từ chối nghe. Vợ chồng mình không thể nào thống nhất nổi cách dạy con.
Rồi từ chuyện đó lại sinh ra chuyện khác, vợ chồng cứ dăm bữa nửa tháng lại lục đục. Căng thẳng vì thế ngày càng tăng cao, có những khi giận nhau cả tuần liền. Đã có những đêm mình nằm khóc một mình, nước mắt đẫm gối, nghĩ thôi chia tay đi cho xong... nhưng có lẽ là cái duyên hai vợ chồng mình vẫn không buông tay được. Vậy phải sống với nhau thế nào đây?
Đầu tiên, mình nhận ra cái sai to đùng của bản thân: Mỗi lần chồng quát mắng con là mình không chịu nổi cứ nói chen vào, hay nhăn nhó khó chịu. Mình tỏ thái độ hay chen vào 1 câu là y như rằng con lại càng bị mắng bị quát thậm tệ hơn. Về lý thì chồng mình không đúng. Nhưng đặt bản thân vào anh ấy thì mình hiểu vì sao chồng làm thế. Anh ấy quá cáu giận, đang nóng như chảo lửa, vợ lại còn phản ứng ''bênh con'' thế thì ''cơn điên'' lại càng tăng. Bố muốn dạy con mà mẹ cứ chen vào cản trở, cảm thấy vợ không tôn trọng mình chút nào, càng cáu hơn. Từ lúc mình nhận ra lỗi sai này, dù lòng như xát muối, mình cũng lặng lẽ bỏ qua phòng khác hoặc im lặng là vàng.
Mình im lặng đợi cơn nóng qua đi. Mình cũng ''im lặng'' luôn trong việc ôm con lau nước mắt sau khi bị bố mắng. Mình nhận ra rằng ai làm tổn thương trẻ thì người đó phải chữa lành. Không thể bố cứ quát con còn mẹ lau nước mắt được. Nếu làm vậy không sớm thì muộn trẻ sẽ ỉ vào việc có mẹ an ủi và càng lúc càng xa lánh bố, thậm chí còn hình thành tâm thế tức giận và hận bố mình. Những hiểu lầm giữa hai bố con sẽ ngày càng chồng chất.
Khi bị bố mắng xong, con hoảng sợ khóc nấc chạy về phía mình, mình nói với con:
- Xem này, con khóc quá. Con sợ bố nói to à?
- (Mình vuốt lưng con) Để mẹ xoa lưng cho con nhé. Hít sâu thở ra nào.
Rồi mình nói to một chút để chồng cũng nghe thấy:
- Con xem bố cáu quá, mắng con xong cũng rất mệt đang ngồi kia kìa. Con ra ôm bố một chút. Con lại ôm bố đi.
Con nghe thế, dĩ nhiên chẳng dám ra ôm bố đâu, vẫn còn sợ lắm, khóc thút thít. Mình dẫn con lại chỗ chồng bảo:
- Anh ơi, con sợ quá không bĩnh tĩnh được. Con muốn được ôm cho cơn sợ qua đi.
Cơn cáu đã qua rồi, thấy con khóc nấc từng cơn có người bố nào lại không xót. Chồng mình liền ôm con vào lòng. Rồi hai bố con cứ thế ôm nhau, cả hai bình tĩnh rồi thì bố mới thủ thỉ dạy con, phân tích tình huống nói chuyện này chuyện khác. Sau này mình không cần phải làm trung gian nữa, mỗi lần lỡ quát mắng con, chồng luôn nhớ lại ôm con để hai bố con cùng bình tĩnh, cùng tâm sự.
Việc thứ hai mà mình nhận ra là chồng mình sẽ không bao giờ nghe mình ''dạy'' cho anh ấy về việc phải nuôi con, dạy con thế nào. Mình có thể hỗ trợ đồng hành với những gia đình khác, còn chồng mình thì càng nói càng hỏng. Đây chính là tâm thế ''tự vệ'' của con bò sát trong não anh chồng mình. Dù biết là vợ nói đúng đi chăng nữa, anh ấy cũng còn lâu mới làm theo.
Vậy là mình đổi chiến thuật, tối đến nói chuyện với chồng mình thỏ thẻ: ''Hôm nay em thấy con nó hoảng quá anh ạ, khóc nấc từng cơn. Nhìn con em thấy nó cũng khổ sở, mất hết cả bình tĩnh. Con sợ quá không nghe được lời bố dạy. Lúc sau hai bố con ôm nhau cùng bình tĩnh, em thấy con hiểu lời anh hơn''. Nghe mình mô tả lại thế, chồng mình cũng gật gù ''Ừ hôm nay anh cáu quá''. Mình còn kể với chồng chuyện con bật khóc giữa đêm, nói mơ ''Bố đừng mắng con''. Câu chuyện đó làm chồng mình suy nghĩ rất nhiều, dù chồng không nói nhưng mình biết hết.
Hôm sau mình tâm sự với con, hai mẹ con cùng kể lại chuyện bố cáu thế nào, con sợ thế nào, chuyện gì xảy ra, bố dặn con điều gì. Mình nói rõ với con ''Khi bố cáu, con sợ quá. Con sợ cơn cáu của bố nên khóc rất to. Lần tới nếu cơn cáu giận của bố đến làm con sợ, con hãy nói với bố nhé. Con nói là ''Bố ơi con sợ cơn cáu giận''.
Mình cũng mua một cuốn sách nhỏ tên là ''Grosse Colère'' (Xuất bản tại Việt Nam là Giận ơi là giận) về cả nhà cùng đọc. Nương theo quyển sách mình giải thích cho con hiểu: Cơn cáu giận không phải là bố/mẹ, bố/mẹ của con luôn luôn yêu thương con. Còn khi bố quát mắng con ấy là vì trong bố khi đó có một cơn cáu giận. Đó là một thứ gì rất nóng, rất to lớn, rất khó chịu ào đến và nó muốn phá tan mọi thứ, chính nó làm bố/mẹ quát mắng con, giận dữ nói to làm cho con sợ. Cơn cáu giận là cảm xúc của bố/mẹ. Và con cũng có cơn cáu giận. Nhờ thế con mình thông cảm hơn và không bao giờ nghi ngờ tình yêu của bố dành cho mình.
Bây giờ thì sao? Chồng mình vẫn nóng tính, lúc mệt quá hoặc không kiềm chế được vẫn quát con. Nhưng con đã biết nói ''Bố ơi, cơn cáu giận của bố làm con sợ''. Nghe con nói thế bố cũng dịu lại nhanh hơn. Hai bố con đã biết ôm nhau làm hòa sau mỗi lần mắng mỏ. Tối đến chồng buồn bã ''Hôm nay anh lại làm con sợ chết khiếp rồi em ạ'' và tự nhủ sẽ cố gắng hơn ở lần sau.
Chia sẻ thêm về câu chuyện của mình, chị Thu Ngân tâm sự thêm: ''Câu chuyện trong bài này mình kể về vợ chồng mình của 3 năm về trước, trong những ngày đầu mình mới sinh bé thứ 2 và cuộc sống gia đình khá nhiều mâu thuẫn. Hiện tại thì cuộc sống của mình rất vui vẻ và an nhiên, vợ chồng từ đó cũng không cãi vã chuyện nuôi con nữa.
Thật sự không dễ để có được một người chồng cùng quan điểm biết lắng nghe mình. Mình đã gặp không ít mẹ nhiều đêm khóc thầm vì chồng không hiểu mình, cảm thấy cô đơn buồn tủi, nghĩ rất nhiều chuyện đến mức cẳng thẳng và có cả trầm cảm. Nhưng thực ra đôi khi mọi chuyện chỉ là vì đôi bên không biết cách giao tiếp với nhau mà thôi.
Khi sự việc không như mong muốn, đặc biệt là với những người yêu thương như con hay chồng, mình đã chọn cách lùi lại, thay vì dùng "cương" để cố thắng đến cùng, mình thử dùng "nhu" để thay đổi tình thế: sử dụng công nhận cảm xúc đúng lúc, biết nói ngôn ngữ của cảm xúc đúng thời điểm.
Mong rằng bài viết này của mình sẽ giúp cho các mẹ đang cảm thấy bế tắc có thể nhìn nhận lại và yêu thương chính mình nhiều hơn. Nơi cuối đường luôn có ánh sáng, bạn có sức mạnh và khả năng rất thần kì, chỉ là bạn chưa nhận ra mà thôi''.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn