Khi con đau đừng quay sang đánh bàn, đập ghế

15:30 | 08/11/2016;
Đứa trẻ hồi nhỏ luôn chứng kiến cảnh bố mẹ đánh bàn đập ghế vì tội cái bàn, cái ghế đó làm đau con, thì lớn lên sẽ có xu hướng đổ lỗi cho mọi người về nỗi đau của mình.
Cay cú của cha mẹ chuyển thành bạo lưc với con. Ảnh minh họa internet.

Bạo lực mang tên chiến thắng

Tính hiếu thắng "ăn" vào máu thịt cha mẹ Việt, khiến chúng ta khoe con không ngừng nghỉ và bị ảnh hưởng ghen tị sâu xa, nếu con hàng xóm làm được gì thì y như rằng con mình cũng phải thế.

Rồi ta nhân danh "tình yêu" mà nhào nặn con cái, yêu sách con đủ thứ, rồi cũng vì cái đó, ta còng lưng đóng tiền học, còng lưng làm việc nhà chỉ để con... học cho bằng bạn bằng bè. Ta điên lên, chửi con thậm tệ bằng những danh từ không có trong từ điển, bằng những thóa mạ: "Mày không phải con tao"; "Tao không sinh cái ngữ như mày"... Cuối cùng ta cay cú vì cái gì? Cay cú vì mình không đạt được mục tiêu chăng?

Để chiến thắng và "trả thù kẻ sung sướng" kia, ta sẵn sàng bỏ đi cái đẹp của lòng tin, của sự trong sáng trong tình yêu vô điều kiện, bỏ đi quyền con người, vì con người không phải đồ vật sở hữu để ta chiếm hữu và nhào nặn. Trẻ em càng không phải thế. Trẻ em mang trong mình một hạt mầm, một nhiệm vụ cao cả khi đến thế giới này.

Trẻ em không phải là thứ đồ chơi trong tay ta để ta ra sức nhào nặn theo ý mình, trẻ em không có khả năng bỏ đi, không có khả năng chống cự, vậy mà càng không chống cự được ta càng đay nghiến, trách móc chì chiết, ép học, ép ăn, ép luyện thi... và ra sức cấm đoán con trở thành chính nó. Được sống cho nhu cầu sở thích của mình, được làm điều mình thích và được hướng dẫn để làm điều đó một cách đúng đắn!

Ai cho ta cái quyền chà đạp lên nhu cầu trở thành chính mình, tìm lại chính mình của các em?

Ai cho ta cái quyền sống giùm các em và rồi nếu không được thì hành hạ các em bằng lời nói và hành động kinh khủng?

Cha mẹ áp tuổi thơ của mình để dạy con. Ảnh minh họa internet.

Bạo lực mang tên thói quen

Chắc có nhiều lần khi không kìm chế được thì ta đánh con, mắng con, chửi con, ta tự nhủ mình sai, nhưng không kiềm chế được. Vậy cái gì lái cảm xúc của ta như thế? Câu trả lời là thói quen.

Thói quen bạo lực ngấm sâu vào máu của mình, nó khi được kích hoạt thì bùng lên dữ dội, chỉ cần con không hợp tác, hay trái ý mình, thì mình giận, máu lên tới não, chảy ngược về hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm, tay chân bắt đầu nắm lại và chuẩn bị... xử con.

Trong mỗi người lớn có một đứa trẻ, đứa trẻ này bị tổn thương hay bị ngược đãi, thì sẽ có xu hướng phải tổn thương và ngược đãi người khác. Đứa trẻ hồi nhỏ luôn chứng kiến cảnh bố mẹ đánh bàn đập ghế vì tội cái bàn cái ghế đó làm đau con, thì lớn lên sẽ có xu hướng đổ lỗi cho mọi người về nỗi đau của mình.

Đứa trẻ ngày xưa thường hay bị chê bai trách móc thì tự ti hoặc luôn muốn vươn lên bất chấp mọi thứ. Đứa trẻ hay bị chỉ trích thì lớn lên thích nịnh nọt và không chịu được dù một lời chỉ trích... Đứa trẻ luôn bị phê phán thì lớn lên sẽ phán xét mọi người mà sống... Chúng ta có những đứa trẻ đó trong người, giống như mang những hạt mầm trong người. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tưới tắm cho những hạt mầm đó bật lên, đó là những hạt mầm của sự phân biệt, của thù hận, của đau khổ, của bạo lực.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn