Ám ảnh cái Tết đầu tiên khi là con gái
Nguyễn Vũ Hà Anh cho biết, mình sinh ra và lớn lên ở Bắc Giang trong hình hài một người con trai với tên khai sinh là Nguyễn Duy Long. Tuy nhiên, ngay từ nhỏ Hà Anh đã biết mình khác biệt với các bạn trai cùng trang lứa. Cô thích làm con gái, đi lại nhẹ nhàng, không chơi các trò chơi của con trai mà chỉ chơi với các bạn nữ... Đến cấp 2, Hà Anh đã xác định được mình sẽ trở thành con gái. Nhưng, mong muốn này của Hà Anh đã gặp phải rất nhiều khó khăn, kỳ thị. Các bạn khác trong trường, lớp đều nhìn Hà Anh với ánh mắt xa lánh. Có lần Hà Anh đi qua cửa 1 lớp, còn bị các bạn lấy thau nước lau bảng hắt vào người. Lúc đấy cô chỉ biết chạy về lớp ngồi im…
Cho đến khi chuyển xuống Hà Nội học tập, sinh sống, Hà Anh bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn các thông tin, kiến thức và tham gia vào cộng đồng LGBT (người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới) tại Hà Nội. Sau đó, Hà Anh đã có được can đảm. Cô thật sự “lột xác” để được sống đúng với con người mình từ khi trở thành sinh viên ngành Quản lý Văn hóa của Trường Nghệ thuật Quân đội. Cuối năm thứ nhất, Hà Anh đổi tên, bắt đầu để tóc dài, thay đổi cách sống đúng như một người con gái... Tuy nhiên từ khi công khai chuyển giới, suốt một năm Hà Anh đã không dám về nhà.
Hồi Tết 2016, Hà Anh gọi điện thoại cho mẹ báo "Bây giờ con là con gái rồi, con muốn về ăn Tết cùng gia đình", gia đình cô đã rất sốc. Khoảnh khắc mẹ Hà Anh nhìn thấy đứa con trai mình sinh ra bỗng có tóc dài, mặc váy, đi giày cao gót, môi đánh son đỏ, mẹ lo lắng, mong con suy nghĩ lại. Bố mẹ Hà Anh cho rằng con đi học xa nhà bị "lây" từ bạn bè...
“Tết ấy, bố mẹ rất sợ mang tiếng gia đình, sợ bị họ hàng, hàng xóm, láng giềng kì thị, bàn tán về em. Em không được đi chơi nhà mọi người, ngoại trừ đến chúc Tết nhà nội, ngoại… Khi nhà có khách đến, em ở trong nhà không được xuất hiện ra ngoài. Khi có ai hỏi đến, bố mẹ phải bảo em đi chơi rồi… Em hiểu sự phản đối và những lo lắng của cha mẹ. Em rất buồn nhưng em cũng không thể khác được”.
Mời độc giả nghe chia sẻ của Hà Anh:
Bị gia đình chối bỏ vì come out
Hà Anh cho biết nhiều bạn trong giới mà cô quen biết cũng gặp trường hợp bị phản đối, ngăn cản tương tự, thậm chí là khủng khiếp hơn. Cô ví như có đứa em, trước từng ở với Hà Anh. Cha mẹ em ấy ly thân rồi sau đó bố qua đời và mẹ tái hôn, em ấy ở với người bác ruột từ khi mới 2-3 tuổi. Khi em ấy đang học trường Đại học Phương Đông thì come out (công khai) mình là người chuyển giới, người bác của em ấy đã vô cùng tức giận. Bác cắt hết mọi chi phí, bắt em ấy phải bỏ học, đánh, nhốt em ấy ở nhà, cấm không cho xuống Hà Nội… Khi em ấy trốn ra được, quyết rời nhà thì bị gia đình chối bỏ. Người bác bảo em ấy đừng bao giờ trở về nữa vì cho rằng việc em ấy chuyển giới đã làm dơ duốc, xấu mặt gia đình...
Hoặc cũng có những bạn chuyển giới nữ, sau một thời gian đã thay đổi ngoại hình rồi mà vẫn bị gia đình bắt về nhà cắt tóc rồi ép lấy vợ, bắt phải sống cuộc sống của 1 người con trai… “Ngày tụi em về tham dự đám cưới của bạn ấy, mới thấy hết sự đau đớn về tâm lý vì phải chấp nhận một cuộc hôn nhân không mong muốn, một hình hài không như mong muốn…”.
Đó là về phía gia đình, còn trong công việc, Hà Anh cho biết: “Từ khi mang hình hài con gái, em gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi xin việc làm. Hầu hết các nơi đều từ chối với lý do là "nửa nọ nữa kia". Để có tiền mua hormone chuyển giới, vào dịp Tết hoặc hè em phải làm nhân viên phục vụ ở những quán ăn, công việc lương thấp vì họ không cần đến giấy tờ, lý lịch cá nhân.Thi thoảng em tham gia có buổi diễn thời trang thu nhập từ 250-300k/buổi rồi dùng tiền tích cóp để trang trải…”.
Trong tình cảm, Hà Anh cũng chia sẻ: “Trong cộng đồng LGBT, tình cảm, tình yêu của người chuyển giới thường bị hạn chế nhiều nhất vì không giống như các bạn gay, les khác là các bạn có thể yêu nhau, còn mình thì chỉ có thể yêu đàn ông; Nhưng họ là trai thẳng, họ khó chấp nhận mình vì họ thường mong muốn sẽ lấy 1 người vợ có thể sinh con, đẻ cái; Còn mình khi bày tỏ là người chuyển giới, về sau mình không có khả năng mang thai, không thể sinh con thì họ đều dần xa lánh mình…”.
Trong một khảo sát trước đó liên quan đến sinh kế của người chuyển giới do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển (IDS) Vương quốc Anh thực hiện với 197 người chuyển giới nam và nữ tại Hà Nội và TP HCM, kết quả cho thấy cho thấy hầu hết người chuyển giới gặp phải rất nhiều sự kỳ thị, khó khăn trong cuộc sống. Gần 50% chỉ có thể tìm được việc làm bán thời gian, hơn 30% tham gia cho biết đã từng nghỉ việc do là người chuyển giới. Hơn một nửa số này đã từng phải nghỉ việc từ hai lần trở lên, khoảng 25% có thu nhập nhưng không đủ chi tiêu và khoảng 26% hoàn toàn không có thu nhập… |
Bài tiếp theo: "Những cái giá mà người chuyển giới phải trả thường rất đắt"