Khi đồng lương không đủ giữ chân nhà giáo

16:09 | 10/10/2017;
Nhiều ý kiến chia sẻ chân thành xung quanh câu chuyện một cô giáo xin ra khỏi biên chế chỉ vì đồng lương quá thấp, đi dạy xa nhà hàng trăm cây số. Họ thấy đồng cảm với nữ giáo viên này bởi rất nhiều người đang ở cùng cảnh ngộ.

Yêu nghề, nghề có yêu ta?

Dư luận đang xôn xao câu chuyện của nữ giáo viên dạy Ngữ văn ở Thanh Hóa, sau nhiều năm được biên chế vào ngành, đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi ngành. Càng gây chú ý hơn khi tại tỉnh này, việc vào biên chế giáo viên là điều rất khó khăn, thậm chí cạnh tranh khốc liệt. Khoảng 10 năm gần đây, tình trạng sinh viên ngành sư phạm ra trường thất nghiệp trên địa bàn khá phổ biến.

Bảy năm công tác trong ngành giáo dục, ngày 9/10, cô giáo Nguyễn Thị Thành (30 tuổi, ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) gửi đơn đến trường THPT Mường Lát và Sở GD&ĐT xin được ra khỏi biên chế.

Câu chuyện của cô Thành nhận được chia sẻ và đồng cảm của nhiều giáo viên. Họ ủng hộ quyết định của đồng nghiệp khi cho rằng, lương không đủ nuôi gia đình, lại quá xa xôi cách trở, con cái cần mẹ chăm sóc. Trên hết, ra khỏi ngành khi đã theo đuổi một công việc khác có thể mang lại thu nhập tốt hơn, không phải đánh đổi quá nhiều, vì thế ra khỏi ngành là điều không quá khó hiểu.

Hơn 15 năm trong nghề giáo viên tiểu học, cô giáo N.H.M (TP.Vinh, Nghệ An) đã phải trải qua 2/3 chặng đường là “chân” giáo viên hợp đồng. 10 năm đi dạy, lương giáo viên hợp đồng, không thêm bất cứ một chế độ, đồng phụ cấp nào, chưa đến 3 triệu đồng mỗi tháng cầm tay, giờ nhớ lại nữ giáo viên cảm thấy mình quá giỏi khi vượt qua được chừng ấy thời gian.

Chưa bao giờ nghề giáo có nhiều trăn trở như thời điểm này khi đồng lương không đủ sống. Ảnh minh họa

“Đã có những thời điểm tôi ức chế, chán nản kinh khủng, công việc thì áp lực, mệt mỏi, tâm lý thì lo lắng không biết lúc nào mới được vào biên chế, không biết năm này rồi năm sau mình có bị điều chuyển hay không. Lương thấp đã đành, nhưng cứ trông vào hai chữ “biên chế” để mà hi vọng!” - nữ giáo viên chia sẻ.

Vốn là mẹ đơn thân, khó khăn càng chồng chất với cô và nếu không có sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình nhà ngoại, có lẽ cô khó có thể bám nghề được đến bây giờ. Hai chữ “biên chế”- điều cô đã thực hiện được khoảng 5 năm nay, đơn thuần chỉ giúp cô cảm thấy yên tâm dạy học, không hơn! Chẳng phải là tiền lương sẽ cao hơn hẳn, hay thêm nhiều đặc quyền đặc lợi gì.

“Chỉ đơn giản là mình thấy đó là niềm an ủi đối với nghề vốn dĩ đã quá áp lực, nhiều lúc tủi nhục. Đến giờ, tôi thấy biên chế không phải là điều gì quá to tát! Vào biên chế nhưng lương vẫn thấp, áp lực lại tăng thì vào làm gì. Yêu nghề, yêu trẻ nhưng cuộc sống không đảm bảo, làm sao chúng tôi có đủ động lực để cống hiến. Bây giờ rẽ ngang mà có một công việc phù hợp và có mức lương cao hơn, tôi cũng sẵn lòng!”- cô N.H.M trải lòng.

Không “kiên cường” như nữ giáo viên nói trên, một cô giáo khác ở Hà Tĩnh đã bỏ dạy khi cô chính thức tìm lối đi khác đã 5 năm nay, chỉ vì thấy tương lai quá tù mù.

“Lương thấp, dạy xa nhà đi lại vất vả, lại không biết phải “chạy” bao nhiêu tiền để có thể vào biên chế, tôi dù tốt nghiệp cử nhân ngành sư phạm, vẫn chấp nhận bỏ nghề”- cô Thu Hiền nhớ lại.

Sau quyết định đó, cô tập trung vào việc đi bán bảo hiểm nhân thọ để kiếm tiền tự đi học thạc sĩ, sau đó tự kiếm công việc khác không liên quan gì đến nghề giáo. Hiện tại, cô là một công chức ở tỉnh có chuyên môn khá, thu nhập ổn định.

“Tôi không kêu gọi giáo viên bỏ nghề, nói vậy thì thật sai lầm! Điều tôi muốn chia sẻ là đừng xem “biên chế” là điều gì đó to tát, là sống còn của nghề giáo. Nếu có con đường đi khác phù hợp hơn, đảm bảo cuộc sống tốt hơn, giáo viên có thể rẽ lối, như cô Thành. Cho đến khi nào giáo viên sống được bằng đồng lương, có lẽ mới thôi có những thầy cô muốn ra khỏi ngành như bây giờ!"- cô Hiền thẳng thắn.

Khi đồng lương không đủ níu chân

Cô Thành xin ra khỏi biên chế sau 7 năm gắn bó với nghề. Ảnh: VnExpress 

7 năm công tác trong ngành giáo dục, ngày 9/10, cô giáo Nguyễn Thị Thành (30 tuổi, ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) gửi đơn đến trường THPT Mường Lát và Sở GD&ĐT xin được ra khỏi biên chế.

Lý do xin ra khỏi ngành được cô Thành viết rõ trong đơn: “Gia đình bên ngoại và chồng đều làm nghề giáo nên khi tôi đưa ra quyết định, người thân suy sụp. Bố mẹ tiếc nuối, buồn phiền và khuyên tôi suy nghĩ lại, song tôi đã quyết tâm rẽ theo nghề khác”.

Một trong những trăn trở lớn nhất của nữ giáo viên trong suốt nhiều năm công tác ở huyện biên giới là sự khó khăn cách trở về địa lý, khiến cô không làm tròn trách nhiệm với gia đình.

“Gia đình cách xa trường hơn 250 km, bố mẹ ở quê đều có tuổi trong khi hai con còn thơ dại, cần người chăm sóc, dạy dỗ. Trong khi đó đồng lương quá ít ỏi, không đủ lo cho cuộc sống gia đình”.

Lương không đảm bảo cuộc sống, dạy học xa xôi cách trở, và một lý do quan trọng nữa khiến cô Thành xin ra khỏi ngành là hơn 1 năm nay cô tìm được nghề lấy thuốc Nam và dược liệu. “Mặc dù còn rất yêu nghề giáo với bao trăn trở, nhưng tôi còn yêu nghề thuốc nam và dược liệu hơn nhiều” - nữ giáo viên chia sẻ.

Theo lãnh đạo trường THPT Mường Lát, 7 năm công tác ở tổ Ngữ văn, cô Thành được đánh giá có chuyên môn tốt, học trò quý mến. Mức lương của cô khoảng 5 triệu đồng. Dù ở huyện biên giới song trường đóng ở thị trấn nên giáo viên trường THPT Mường Lát không được hỗ trợ thêm khoản thu hút hay trợ cấp nào khác. Cô Thành phải thuê nhà ở và thuê người giúp việc trông con nhỏ vì không có người thân ở gần.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn