Khi nào bạn nên vay tiền ngân hàng mua nhà?

16:55 | 15/10/2015;
Theo chuyên gia, chỉ nên vay tiền ngân hàng mua nhà khi số tiền dôi ra bằng 120% số tiền phải trả hàng tháng.
Vợ chồng chị Lan Chi (Q.Bình Thạnh, TPHCM) sau 7 năm tích cóp mới có được 400 triệu đồng. Vì ngán cảnh phải ở nhà thuê hết năm này sang năm khác nên anh chị quyết định vay thêm tiền để mua căn nhà.

Ban đầu, chị bàn với chồng nên mua căn hộ khoảng 800 triệu - 1 tỉ đồng, nhưng anh cứ nhìn 2 đứa con trai lại thở dài. Chị hiểu ý, lại cùng chồng chuyển hướng sang mua nhà.

Anh chị liên hệ ngân hàng, rồi nhờ bạn bè chứng nhận thu nhập để vay 1,1 tỉ đồng trong thời hạn 10 năm. Theo hợp đồng, trong những năm đầu, vợ chồng chị phải trả khoảng 16 triệu đồng/tháng (cả gốc lẫn lãi).

Thế rồi, chỉ khoảng nửa năm sau, vợ chồng chị lại rao… bán nhà. Lý do là cả 2 vợ chồng đã làm cật lực, cố gắng cắt giảm chi phí tối đa nhưng vẫn không thể có đủ tiền trả nợ hàng tháng.

Ban đầu, họ cố gắng “giật gấu vá vai”, vay mượn thêm bạn bè để bù đắp vào phần thiếu hụt nhưng sau tháng thứ tư thì họ buộc phải đi “vay nóng” để có tiền trả nợ đúng hạn.
Diễn biến lãi suất có thể theo nhiều “kịch bản” khác nhau, nhưng thường là cao hơn đáng kể so với mức ưu đãi. Ảnh minh họa: Internet

May mà căn nhà họ bán lại cũng được giá, đủ bù đắp vào khoản lãi suất mấy chục triệu đồng trong 6 tháng.

Vợ chồng anh Minh (ngụ tại huyện Nhà Bè, TPHCM), vay 900 triệu đồng mua căn hộ 1,3 tỉ đồng cách đây 2 năm, năm đầu được ưu đãi lãi suất nhưng từ năm thứ 2 thì phải chịu lãi suất “thả nổi” ở mức trên 12,5%/năm, cuối cùng họ cũng đành phải nhượng lại căn hộ để nhanh chóng thoát khỏi “gánh nợ”.

Theo một số chuyên gia, rắc rối mà không ít người thường vướng phải, đó là quá “lạc quan” với mức lãi suất đầu tiên - thường là một mức khá ưu đãi nhưng chỉ kéo dài tối đa từ 6 tháng đến 1 năm.

Sau đó, diễn biến lãi suất có thể theo nhiều “kịch bản” khác nhau, nhưng thường là cao hơn đáng kể so với mức ưu đãi.

Do đó, người vay cần phải tính toán và cân đối giữa khả năng thu nhập ổn định của mình với các “kịch bản” lãi suất khác nhau, kể cả trường hợp xấu nhất là có thể tăng đột biến.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ hợp đồng vay (khế ước) với ngân hàng, để xem hàng tháng mình phải trả tổng cộng bao nhiêu tiền.

Từ đó mới cân đối giữa các nguồn thu trừ đi các khoản chi tiêu cố định của gia đình, xem phần dôi ra có đủ để trả nợ hay không.

Chỉ khi thấy số tiền dôi ra bằng ít nhất 120% trên tổng số tiền phải trả hàng tháng, đồng thời có sẵn nguồn (từ bạn bè, người thân) để có thể tất toán ngay khoản nợ khi xảy ra tình trạng lãi suất tăng đột biến, thì mới nên “tự tin” ký hợp đồng vay.

Những trường hợp chưa đáp ứng đủ các điều kiện này thì rất có thể sẽ gặp rủi ro, bất trắc trong quá trình trả nợ. Trong hoàn cảnh này, tốt nhất là chọn những phương án mua nhà/căn hộ có giá rẻ hơn (đồng nghĩa với việc phải vay ngân hàng ít tiền hơn); hoặc nếu có thể thì dùng chính căn nhà mới mua để kinh doanh nhằm bù đắp một phần lãi suất phải trả cho ngân hàng.

Tốt nhất là nên mua nhà giá rẻ, lãi vay và nợ gốc không vượt tiền thuê nhà hàng tháng và tiền trả ngân hàng không quá 40% tổng thu nhập thường xuyên hàng tháng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn