Khi nào cần 'xử' răng khôn?

10:29 | 20/12/2016;
Nhiều người phát hiện thức ăn dính ở kẽ răng số 7 và 8, gây khó chịu nên đi khám thì được bác sĩ tư vấn nhổ bỏ răng số 8 (răng khôn), dù chiếc răng này không gây đau. Vậy tư vấn này có đúng và khi nào thì cần nhổ răng khôn?
Theo TS.BS Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng hàm mặt, BV Việt Nam-Cu Ba, Hà Nội, bộ răng của người trưởng thành thường có đến 32 chiếc, những chiếc lớn ở trong cùng của hàm gọi là răng khôn. Nếu như răng thường mọc khi còn thơ ấu thì răng khôn mọc khi đến tuổi trưởng thành (18-30 tuổi), thậm chí có trường hợp 40 tuổi vẫn mọc răng khôn.

Khoảng cách giữa răng số 7 và cạnh trong cùng của xương hàm sẽ quyết định răng khôn mọc như thế nào. Nếu khu vực này còn chỗ thì chiếc răng số 8 sẽ mọc thẳng bình thường và ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi khu vực hàm thiếu chỗ, răng sẽ không mọc hoặc mọc lệch, dẫn đến nhiều biến chứng đau đớn.
rang.jpg
Cần cân nhắc khi nhổ răng khôn
TS Phạm Như Hải cho rằng, nếu răng mọc thẳng giữa và vệ sinh thì sẽ không ảnh hưởng tới khức khỏe. Tuy nhiên, răng mọc lệch, mọc ngầm sẽ phải xử lý. Trong những trường hợp dưới đây, nên xử lý răng khôn sớm:

- Răng khôn mọc không thẳng hàng gây đau nhức ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt.

- Dù răng khôn chưa gây ra phiền toái nhưng nếu tạo khe hở với răng bên cạnh, khiến thức ăn bị mắc vào cũng nên xử lý kịp thời tránh “hậu họa” về sau. Tuy nhiên, nếu răng không gây đau mà chưa muốn nhổ bỏ, thì có thể dùng chỉ nha khoa để lấy thức ăn bị mắc vào kẽ răng.

- Trong trường hợp răng khôn mọc thẳng không gây ảnh hưởng gì như đau tức, viêm nhiễm nhưng không có răng đối diện ăn khớp, làm răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện. Lâu dài thức ăn cũng “trú ngụ” vào những kẽ hở gây đau nhức.

- Răng khôn mọc ra đã muộn lại xấu, có bệnh về nha chu hay sâu cũng nên loại bỏ sớm.

Cũng theo TS Hải, trong nhiều trường hợp, răng khôn lại có lợi. Nếu răng khôn mọc thẳng đúng vị trí sẽ giúp hàm răng chắc khỏe, thực hiện tốt chức năng nhai; giúp phục hình răng trong trường hợp mất răng số 7 và đương nhiên sẽ không phải phẫu thuật bỏ răng khôn.

Một chiếc răng khôn mọc thẳng, bình thường, không bị kẹt bởi mô xương và nướu, không gây biến chứng, thì có thể giữ lại. Hằng ngày nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Người có một số bệnh lý toàn thân không kiểm soát tốt như tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông cầm máu… không nên bỏ răng khôn.

“Việc quyết định nhổ răng khôn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bác sĩ nha khoa sẽ thăm khám và đưa ra quyết định. Để an toàn, người có nhu cầu nên đến bệnh viện uy tín để khám và nhổ răng”, TS Hải tư vấn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn