Chắc hẳn nhiều cha mẹ không còn xa lạ với máy khí dung, đây là một trong những liệu pháp thường được bác sĩ chỉ định hỗ trợ điều trị một số bệnh lý hô hấp. Việc dùng máy khí dung sẽ có tác dụng nhanh hơn, có thể làm giãn các phế quản, làm loãng đàm, giúp bệnh nhi có cảm giác dễ thở hơn nhưng nếu tùy ý sử dụng liệu pháp này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Khí dung là liệu pháp sử dụng máy khí dung để khuếch tán thuốc thành các hạt sương li ti. Các hạt sương này sẽ tác động trực tiếp vào hệ thống niêm mạc của đường hô hấp trên và dưới, cho phép thuốc hấp thụ nhanh hơn và dễ dàng đi vào phổi hơn, hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp (cấp tính và mãn tính), chẳng hạn như viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm xoang hoặc mãn tính như hen suyễn...
Nếu tùy tiện khí dung có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt liệu pháp này không được khuyến khích thực hiện tại nhà. Do đó, cha mẹ chỉ nên khí dung cho trẻ khi được bác sĩ chỉ định và nên thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ. Đặc biệt, cha mẹ không nên tự ý thực hiện khi thấy con có các dấu hiệu có đờm, thở khò khè... mà chưa hiểu rõ bệnh lý con mắc phải.
Khí dung được chỉ định khi trẻ có cơn hen cấp tính, suy hô hấp, thở rít thanh quản, cần làm loãng đờm trước khi thực hiện lý liệu pháp, thuốc cần dùng chưa có dạng bình xịt định liều, trẻ không có khả năng sử dụng bình xịt định liều, cần dùng kháng sinh dạng hít liều cao để điều trị hoặc kiểm soát tình trạng nhiễm trùng dai dẳng.
Khí dung không hề đơn giản như nhiều phụ huynh lầm tưởng, nếu khí dung không đúng cách, trẻ có thể đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe như:
- Khí dung không đúng thời gian nên có thể dẫn tới biến chứng. Cha mẹ không thể thông qua các triệu chứng của bệnh để quyết định thời gian khí dung. Chẳng hạn, có nhiều trường hợp trẻ bị hen suyễn, khi cơn hen chuyển nặng cha mẹ mới nhận ra, lúc này trẻ có thể đã gặp biến chứng mà khí dung không còn phù hợp.
- Việc xông mũi họng là có thể gây phản xạ co thắt phế quản ngay lúc đó nên nếu không có chuyên môn, cha mẹ không thể xử lý và gây nguy hiểm cho trẻ.
- Nếu khí dung tại nhà, các thiết bị khí dung không được vệ sinh và bảo quản đúng cách, có thể lắng đọng vi trùng, virus bên trong. Nếu trẻ hít phải không những không cải thiện được bệnh lý mà còn làm cho tình trạng trở nặng hơn.
- Khí dung cho từng loại bệnh lại là những loại thuốc mà cần được bác sĩ chỉ định sau quá trình thăm khám tình trạng bệnh lý của trẻ. Do đó, nếu cha mẹ tự ý dùng thuốc, xin đơn thuốc từ trường hợp của trẻ khác hoặc cho thuốc vào bình không đúng liều lượng thì sẽ rất nguy hiểm đối với trẻ.
Chẳng hạn như, lạm dụng kháng sinh có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh. Sử dụng khí dung với loại thuốc có nhóm aminoglycosid có thể gây ngộ độc hốc tai, dẫn tới điếc, bác sĩ đã chống chỉ định dùng nhóm thuốc này cho trẻ. Hoặc lạm dụng các thuốc corticoid có thể gây chậm phát triển, loãng xương ở trẻ...
Khi khí dung nhiều trẻ sợ hãi nên thường quấy khóc, không chịu ngồi thẳng hoặc hợp tác nên có thể khiến trẻ hít không đủ liều lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả của liệu pháp. Do đó, cha mẹ nên lưu ý một số điều sau để quá trình khí dung diễn ra dễ dàng và đem lại hiệu quả cao:
- Lựa chọn thời điểm phù hợp: Đối với những trẻ lớn và đã nhận thức được, cha mẹ có thể khí dung tùy vào thời gian bác sĩ chỉ định. Tuy nhiên, đối với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ nên khí dung khi trẻ ngủ, tránh làm trẻ hoảng loạn. Đặc biệt, không nên khí dung cho trẻ trước hoặc sau bữa ăn.
- Giữ môi trường yên tĩnh: Khoảng thời gian khí dung có thể kéo dài từ 5 đến 15 phút, tùy vào chỉ định của bác sĩ. Lúc này, nên khí dung cho trẻ trong môi trường yên tĩnh để tránh làm trẻ mất tập trung.
- Tìm thú vui cho trẻ trong khoảng thời gian này: Có nhiều trẻ sẽ khó hợp tác khi khí dung trong khoảng thời gian quá lâu. Do đó, cha mẹ có thể cho con xem tivi, điện thoại, gấu bông... nhưng vẫn phải chú ý để trẻ ngồi thẳng lưng.
- Chọn mặt nạ có kích thước phù hợp: Mặt nạ quá to có thể khiến các giọt sương đi vào mũi hay đường thở không hết, tồn đọng nhiều trên da của trẻ làm giảm liều lượng điều trị. Do đó, nên lựa chọn máy khí dung phù hợp với tỷ lệ mặt của trẻ, không đặt máy quá xa vì sẽ tạo không gian trống cho thuốc thoát ra.
- Dạy trẻ thở một cách đều đặn và nhịp nhàng: Mới đầu do hoảng sợ, trẻ có thể thở nhanh và không đều nhịp nên cha mẹ cố gắng trấn tĩnh trẻ nhanh chóng và dạy con cách hít thở từ từ.
Thông thường khí dung sẽ được khuyến khích thực hiện tại bệnh viện dưới sự giám sát của bác sĩ. Nhưng nếu lựa chọn khí dung cho trẻ tại nhà, cha mẹ đặc biệt chú ý kỹ thuật thực hiện, dùng theo đơn thuốc được bác sĩ chỉ định, vệ sinh và khử trùng máy sạch sẽ, sẵn sàng cho bất kỳ rủi ro nào có thể xảy ra.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn