Khi người trẻ mất động lực xin việc làm

19:32 | 23/09/2024;
Do liên tục gặp thất bại trong quá trình xin việc, hoặc do quá tự tin, ảo tưởng về năng lực của bản thân, cho rằng mức lương mà đơn vị tuyển dụng đề xuất không tương xứng với trình độ của mình nên nhiều bạn trẻ bị mất động lực xin việc.

Mới ra trường được 1 năm, cũng kinh qua một vài công việc nhưng từ 2 tháng nay, Nguyễn Ngọc Anh (Ninh Bình) nghỉ ở nhà và không muốn đi xin việc. Tốt nghiệp ngành kinh tế, Ngọc Anh "rải" hồ sơ ở nhiều công ty nhưng chờ mãi không được gọi. 

Để có tiền nuôi bản thân, thời gian đầu, Ngọc Anh làm các công việc tạm thời như gia sư, nhân viên phục vụ quán cà phê… Sau đó, Ngọc Anh được nhận vào làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh. 

Cứ tưởng đây là môi trường tốt để cô phát huy những kiến thức từ chuyên ngành mình học nhưng sự thiếu chuyên nghiệp của người chủ trung tâm khiến cô cảm thấy thất vọng, đặc biệt là khoản nợ lương. 

Làm 3 tháng, nợ lương 2 tháng khiến thời gian đó cô phải vay mượn bạn bè để chi trả phí sinh hoạt. Chẳng thể đòi lương mãi, cô quyết định nghỉ việc.

Không lâu sau, Ngọc Anh xin vào làm truyền thông tại một công ty tư vấn xuất khẩu lao động. Công việc nhiều nên hôm nào cô cũng làm đến 7-8 giờ tối. Ngọc Anh phấn khởi vì cô học được nhiều điều từ sếp của mình. 

Cứ tưởng đây sẽ là nơi cô gắn bó lâu dài nhưng đến ngày lĩnh lương, cô lại "ngã ngửa". Lương thử việc thoả thuận là 7 triệu đồng/tháng nhưng sếp chỉ ký cho cô 50% với lý do "sản lượng công việc chưa đạt". 

Cả tháng chăm chỉ làm việc nhưng mức lương nhận được không bằng thu nhập đi làm công việc bưng bê khiến cô thực sự thất vọng, chán nản. Cô quyết định nghỉ việc vì mức lương này chỉ đủ để cô trả tiền thuê nhà, điện nước mà không có tiền ăn uống, chi tiêu. 

2 tháng nay, Ngọc Anh nghỉ ở nhà, không đi xin việc làm. Cô xin tiền bố mẹ, vay tiền bạn bè… để sống qua ngày. Ngọc Anh cho biết, cô cảm thấy mất hết động lực đi xin việc. Cô muốn nghỉ ngơi một thời gian để lấy lại hứng thú đi tìm việc.

Giống như Ngọc Anh, 2 tháng nay, Dương Văn Minh (Thanh Hoá) cũng nghỉ ở nhà. Nhưng lý do nghỉ ở nhà của Minh không giống với Ngọc Anh. Minh tốt nghiệp một trường đại học danh giá nên rất tự tin về khả năng của mình. 

Ngày ra trường, Minh nhanh chóng tìm được công việc đúng chuyên ngành logistic. Chỉ có điều, công việc quá nhiều nên Minh không có thời gian nghỉ ngơi. Hôm nào, cậu cũng phải làm việc đến 9-10 giờ tối. Minh không có ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật. Những ngày lễ, Tết, trong khi mọi người được nghỉ trọn vẹn thì cậu chỉ được nghỉ một nửa hoặc một phần ba thời gian.

Thấy con trai mệt mỏi, phờ phạc vì công việc, mẹ Minh khuyên cậu xin việc khác. Bà lo con làm việc quá sức sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hơn nữa, bà cũng muốn con dành thời gian để yêu đương.

Nghe lời mẹ, Minh quyết định nghỉ việc. Với kinh nghiệm làm việc và CV đẹp, Minh được nhiều công ty nhận vào làm. Chỉ có điều, những công ty đó chỉ trả cậu mức lương 12-13 triệu đồng/tháng khiến cậu không chấp nhận. Minh cho rằng, với khả năng và trình độ của mình, mức lương trên 20 triệu đồng mới phù hợp. 

"Thời gian này em quyết định nghỉ ngơi. Dù sao em vẫn còn khoản tiết kiệm trước đây đi làm nên không quá áp lực phải có việc ngay. Trước đây, em luôn nghĩ, với khả năng và kinh nghiệm của mình, em dễ dàng tìm được công việc tốt. 

Thế nhưng, thực tế không như vậy. Nhận được lời mời của nhiều công ty nhưng với mức lương "hẻo" khiến em mất động lực xin việc. Giờ em sẽ nghiên cứu xem mình còn thiếu kiến thức gì để bù đắp. Sau đó, em mới tiếp tục đi xin việc", Minh chia sẻ.

PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh (Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam), cho biết, tình trạng người trẻ thất nghiệp không phải do xã hội thiếu việc làm mà do kỹ năng xin việc của họ còn yếu, đặt ra những yêu cầu không phù hợp với thực tế. 

"Khi tham gia thị trường lao động, người trẻ nên đề cao kinh nghiệm, tiếp thu kiến thức mới thay vì quá chú trọng vào thu nhập. Bản thân các công ty nên xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc thân thiện, giúp từng cá nhân phát triển. 

Đặc biệt người tuyển dụng cần thẳng thắn trao đổi về lương thưởng cũng như yêu cầu trong công việc để ứng viên có cái nhìn toàn diện. Bởi khi mọi thứ công khai, minh bạch, người lao động sẽ biết bản thân nhận được gì ở công ty. Tình trạng ngại việc, chán việc sẽ không còn", PGS.TS Đỗ Minh Cương cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn