Theo Liên hợp quốc, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ cán mốc gần 10 tỷ người. Nhiều nước vẫn rơi vào tình trạng gia tăng dân số cao. Khác với nhiều quốc gia, những năm gần đây, Việt Nam không có sự bùng nổ về dân số. Hiện dân số nước ta là hơn 97 triệu người.
Theo dự báo của Liên họp quốc, nếu nước ta có mức sinh tăng trở lại và tổng tỷ suất sinh có thể lên tới 2,3-2,5 con/phụ nữ thì đến năm 2050, quy mô dân số Việt Nam sẽ đạt cực đại ở mức quá cao từ 130 đến 140 triệu người, mật độ dân số cao khoảng 400 người/1 km vuông. Điều này sẽ gây áp lực đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm và bất lợi đối với phát triển kinh tế xã hội, cơ cấu nhân khẩu của nước ta trong tương lai.
Tuy nhiên, nếu để mức sinh giảm mạnh và tổng tỷ suất sinh chỉ khoảng 1,35 con/1 phụ nữ vào năm 2020 thì đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại là 95-100 triệu người, làm dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số vàng ngắn lại, già hóa dân số diễn ra nhanh rất bất lợi đối với sự phát triển kinh tế.
Vì thế, Nghị quyết số 21 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra mục tiêu “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con). Có nghĩa là không thúc đẩy mức sinh giảm nhanh như trước đây. Lí do là gần 60 năm qua, nhờ kiên trì đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) mức sinh của Việt Nam đã giảm rất nhiều. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, trung bình mỗi bà mẹ sinh khoảng 7 con, nay chỉ có khoảng 2 con, đạt mức sinh thay thế.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó tổng Cục phụ trách Tổng cục Dân số-KHHGĐ (Bộ Y tế), hơn 10 năm qua, Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế 2,1 con (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) - đây là mức lý tưởng. Nếu tiếp tục đẩy mạnh KHHGĐ, mức sinh sẽ giảm sâu hơn, dưới ngưỡng “thay thế”. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, sau khi đạt được mức “mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con”, nếu vẫn tiếp tục duy trì chính sách giảm sinh sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Tính chung trên phạm vi cả nước, Việt Nam đã đạt mục tiêu “mức sinh thay thế” nhưng do trình độ phát triển không đều nên giữa các tỉnh, mức sinh chênh lệch khá lớn. Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và Bắc Trung bộ có mức sinh cao, có những nơi, người dân sinh 6-7/ con. Ngược lại, nhiều tỉnh mức sinh giảm sâu, như các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ. Theo thống kê, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (1,5 - 1,6 con). Một số tỉnh, thành đang trong tình trạng mức sinh thấp như TP.HCM (1,33 con); Đồng Tháp (1,57 con); Cần Thơ (1,58 con); Cà Mau (1,62 con); Bình Dương; Bà Rịa - Vũng Tàu (1,7 con)...
Theo Tổng cục Dân số-KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú, với các tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế, mục tiêu của KHHGĐ vẫn phải hướng đến giảm sinh. Còn những địa phương sinh dưới mức mức sinh thay thế, cần có chính sách khuyến khích sinh.
Cũng theo ông Nguyễn Doãn Tú, nếu chúng ta duy trì mức sinh thay thế, với tổng tỷ suất sinh 2,1 con/phụ nữ thì quy mô dân số nước ta sẽ chỉ đạt mức cao nhất khoảng 115 triệu người vào năm 2049. Đây cũng là mục tiêu mà ngành dân số đang đặt ra để phát huy được các lợi thế của dân số, quy mô dân số ổn định, cơ cấu tuổi của dân số cân bằng, giảm dần sự chênh lệch bất lợi mức sinh.
Tại Hàn Quốc từng đạt mức sinh thay thế 2,1 con vào năm 1983 nhưng lo bùng nổ dân số nên chính quyền vận động chính sách sinh ít con. Đến năm 1996, khi con số này xuống dưới 1,6 con, quốc gia này bắt đầu nới lỏng chính sách sinh, tuy nhiên sau 10 năm, tỉ lệ này tiếp tục giảm còn 1,08. Để khuyến khích sinh, Hàn Quốc đã cho phép khi sinh con, người mẹ được nghỉ 2 năm mà không mất việc và được trợ cấp; chồng được nghỉ 2 tuần khi vợ sinh… Tuy nhiên mức sinh chưa nhích lên được.
Hay như Singapore, cũng từng đạt mức sinh thay thế vào năm 1975, nhưng do chính sách khuyến sinh chọn lọc, con số này giảm còn 1,7 con vào năm 1982. Đến 1989, Singapore kêu gọi khuyến sinh toàn diện nhưng đến nay vẫn không mang lại kết quả.
Do đó, theo Tổng cục Dân số-KHHGĐ cần tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, chứ không nên để tổng tỷ suất sinh quá cao hoặc quá thấp. Bởi nếu số con trung bình của một phụ nữ cao thì sẽ bùng nổ dân số, còn thấp khoảng 1,3-1,4 con/người thì sẽ khó có cách nâng lên được.