Khi trẻ sơ sinh bị cảm cúm, phải làm sao?

17:01 | 13/02/2023;
Cảm cúm là bệnh lý phổ biến ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh, cúm là có thể gây nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của trẻ. Vậy khi trẻ sơ sinh bị cúm, phải làm sao?

Trẻ sơ sinh thường chưa được tiêm chủng đầy đủ, nên khi gặp các vấn đề sức khoẻ thường sẽ nguy hiểm hơn bình thường. Đối với cảm cúm ở trẻ sơ sinh, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Vậy khi trẻ sơ sinh bị cảm cúm, phải làm sao và phòng ngừa cảm cúm cho bé bằng cách nào?

1. Tìm hiểu về cảm cúm ở trẻ sơ sinh

Cảm cúm là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính, được lây truyền qua đường hô hấp. Cảm cúm gây ra bởi virus cúm và thường do hai chủng virus cúm A và B gây ra. Các bậc phụ huynh cần chú ý phân biệt cảm cúm và cảm lạnh.

Để đưa ra những chẩn đoán ban đầu, cha mẹ có thể dựa vào một số triệu chứng cúm phổ biến ở trẻ sơ sinh như:

- Sốt, có thể sốt cao.

- Ho, ho khan, ngứa họng, viêm họng.

- Nghẹt mũi, chảy nước mũi.

- Quấy khóc.

- Cảm giác ớn lạnh.

- Bỏ bú.

- Buồn nôn, chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy.

Trẻ sơ sinh bị cảm cúm phải làm sao? - Ảnh 1.

Ho, sốt, sổ mũi là những triệu chứng phổ biến của bệnh lý cảm cúm ở trẻ sơ sinh - Ảnh Internet.

Cảm cúm ở trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách có thế dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tai, biến chứng thở khò khè, biến chứng các bệnh nhiễm trùng thứ cấp như viêm họng, viêm xoang, viêm phổi...

2. Trẻ sơ sinh bị cảm cúm phải làm sao?

Khi trẻ sơ sinh bị cúm, cha mẹ không nên chủ quan mà nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám và tuân thủ theo hướng điều trị từ bác sĩ.

2.1. Điều trị cảm cúm ở trẻ sơ sinh theo chỉ định của bác sĩ

Khi trẻ sơ sinh bị cảm cúm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus để điều trị. Theo đó, thuốc kháng virus có thể làm giảm các triệu chứng cảm cúm, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Thuốc kháng virus còn có tác dụng ngăn ngừa các biến chứng của cảm cúm ở trẻ sơ sinh.

Cần lưu ý, đối với bệnh cúm, thuốc kháng virus phát huy hiệu quả tốt nhất khi được sử dụng trong vòng 2 ngày kể từ khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng. Tuy nhiên, thuốc này cần có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ khi sử dụng.

Bên cạnh đó, để điều trị cúm, bác sĩ hay thầy thuốc có thể kê đơn thuốc. Có 3 loại thuốc được các cơ sở y tế chấp thuận điều trị cúm ở trẻ em là thuốc Oseltamivir (Tamiflu®), Zanamivir (Relenza®) và Peramivir (Rapivab®). Các bậc phụ huynh cần lưu ý, tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà cần dùng theo chỉ định của bác sĩ hoặc thầy thuốc uy tín.

2.2. Điều trị cảm cúm ở trẻ sơ sinh tại nhà

Bên cạnh việc tuân thủ theo hướng điều trị từ bác sĩ, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà giúp trẻ dễ chịu và hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn.

- Xịt rửa mũi cho trẻ

Một trong những dấu hiệu của cảm cúm là ngạt mũi, chảy nước mũi, khiến bé khó chịu, khó ngủ. Để làm giảm triệu chứng này, cha mẹ nên xịt và làm thông thoáng đường thở cho con. Lưu ys, nên dùng dụng cụ xịt rửa chuyên dụng để rửa và hút mũi cho bé để an toàn và hiệu quả.

Để xịt rửa mũi cho trẻ, cha mẹ chuẩn bị dụng cụ hút mũi, khăn mềm, nước muối sinh lý. Tiếp đó, cho bé nằm ngửa, kê dưới đầu bé một khăn mềm rồi nhỏ 1 - 2 giọt nước muối vào hai bên mũi. Cha mẹ giữ chắc đầu bé và tiến hành hút mũi. Sau khi hút xong, nhỏ mỗi bên mũi 1 giọt nước muối sinh lý để vệ sinh mũi.

Khi tiến hành hút mũi, cần thực hiện nhẹ nhàng, mỗi ngày chỉ nên hút 1 - 2 lần, không hút mũi quá 4 ngày liên tiếp để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của bé.

Trẻ sơ sinh bị cảm cúm phải làm sao? - Ảnh 2.

Nên xịt rửa mũi giúp trẻ dễ chịu, thông thoáng đường thở - Ảnh Internet.

- Dùng máy tạo độ ẩm

Máy tạo độ ẩm sẽ giúp làm lỏng chất nhầy, giúp thông thoáng đường thở nên sẽ giúp trẻ dễ thở hơn.

- Tắm nước gừng

Gừng là nguyên liệu có tính nóng. Vì thế, khi tắm nước gừng, sẽ làm ấm cơ thể, hỗ trợ điều trị cúm hiệu quả. Không những vậy, hơi nước từ gừng giúp làm lỏng dịch mũi, đờm, giúp bé dễ chịu hơn.

Để hỗ trợ điều trị cảm cúm cho bé sơ sinh bằng nước gừng, mẹ tiến hành giã nhuyễn 2 nhánh gừng sống rồi cho vào cốc nước sôi, ủ trong vài phút rồi hòa vào chậu nước ấm để tắm cho bé.

Tuy nhiên, lưu ý nên tắm nhanh cho bé, bật đèn sưởi tắm cho bé khi vào mùa đông. Chỉ tắm nước gừng trị cúm cho bé hơn 1 tháng tuổi và không thực hiện với những bé đang gặp các vấn đề về da hoặc có làn da quá nhạy cảm.

- Bổ sung chất lỏng cho bé

Việc sốt cao có thể khiến bé bị mất nước, lừ đừ. Lúc này, các mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn. Đối với trẻ hơn 6 tháng tuổi đã ăn dặm, cha mẹ có thể bổ sung thêm nước, cháo, súp cho con.

Những trường hợp trẻ mất nước nhiều, nên đưa đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời.

3. Những sai lầm khi điều trị cảm cúm cho trẻ sơ sinh

Để phát huy hiệu quả trong điều trị cảm cúm cho bé, cha mẹ cần tránh những sai lầm dưới đây:

- Tự ý cho con dùng thuốc: Tự ý cho bé dùng thuốc trị cảm cúm thông thường mà không có sự chỉ định của bác sĩ có thể gây hại cho cơ thể non nớt của bé.

- Cho bé dùng mật ong: Mật ong được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa cảm cúm cho bé. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh không nên dùng mật ong vì có thể bị ngộ độc. Các mẹ có thể thay thế mật ong bằng đường phèn để đảm bảo an toàn.

- Cho bé uống kháng sinh: Nhiều mẹ quan niệm cho bé uống kháng sinh cho nhanh khỏi cảm cúm. Tuy nhiên, kháng sinh chỉ phát huy tác dụng với các bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn. Trong khi đó, cúm là do virus gây ra nên, do đó kháng sinh không có tác dụng trong việc điều trị cúm. Không những vậy, dùng kháng sinh không theo chỉ định có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh.

Trẻ sơ sinh bị cảm cúm phải làm sao? - Ảnh 3.

Chỉ dùng thuốc điều trị cảm cúm theo chỉ định của bác sĩ - Ảnh Internet.

Bên cạnh đó, để điều trị cảm cúm cho bé an toàn và hiệu quả, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

- Nếu các triệu chứng bệnh của bé không thuyên giảm, kèm theo xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, ra nhiều rỉ mắt, dịch mũi vàng và đặc... thì nên đưa con đi gặp bác sĩ ngay để tránh biến chứng.

- Cách ly bé với nguồn lây bệnh để tránh tái phát bệnh vì có nhiều chủng virus gây cúm khác nhau.

- Không cho bé tiếp xúc với khói thuốc vì hít phải khói thuốc lá sẽ khiến các triệu chứng cảm cúm của bé nghiêm trọng hơn.

- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, đồ dùng, đồ chơi của bé.

Cảm cúm khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, nên cần phòng ngừa bệnh cho trẻ từ sớm. Theo đó, do hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu, cha mẹ cần tránh cho bé tiếp xúc với những người bị cảm cúm. Cho bé bú mẹ thường xuyên để tăng đề kháng. Ngoài ra, cần vệ sinh cá nhân cho bé sạch sẽ, khử khuẩn đồ chơi để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Trên đây là những thông tin giải đáp cho thắc mắc trẻ sơ sinh bị cảm cúm phải làm sao cũng như những lưu ý khi điều trị cảm cúm cho bé và biện pháp phòng ngừa cảm cúm. Cần lưu ý, nếu bé bị cảm cúm lâu ngày không thuyên giảm, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn