Các ứng dụng gọi xe công nghệ không còn xa lạ gì ở các thành phố lớn. Sau khi “đại gia” Uber rút khỏi Việt Nam, hiện nay, trên thị trường còn khá nhiều ứng dụng, cả cũ, cả mới để phục vụ nhu cầu đi lại của mọi đối tượng khách hàng như: Grab, Go Việt, Fastgo, Be…
Khách hàng: App nào giá rẻ thì xài
Hình ảnh những tài xế xe ôm công nghệ mặc áo xanh, áo đỏ, áo vàng đã trở nên quen thuộc và phổ biến tại mỗi tuyến đường, ngõ phố. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, có tải app gọi xe, sau vài thao tác đơn giản nhập địa chỉ, điểm đến…, chỉ vài phút sau, đã có ngay xe sẵn sàng phục vụ, bất kể giờ nào. Để cạnh tranh, các hãng cũng liên tục đưa ra các mã giảm giá, chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Từ khi có xe ôm công nghệ, chị Mai Anh (phố Chùa Bộc) không còn quá lo lắng về việc đi lại, di chuyển của mình và cậu con trai đang học lớp 8. Chị Mai Anh cho biết, sau lần bị tai nạn xe máy, chị không còn dám tự đi xe hay chở con đi học. Trước đây, chị thường gọi xe ôm đầu phố, nhưng lúc cần thì chả có, nên nhiều khi phải đi taxi tốn kém hoặc nhỡ việc. Từ khi có Grab, Go Việt…, mọi chuyện đơn giản, chủ động và có phần tiết kiệm hơn vì gọi xe dễ và giá rẻ hơn xe ôm truyền thống nhiều.
Trên máy điện thoại của chị Mai Anh và cậu con trai tải sẵn hai ứng dụng gọi xe phổ biến nhất hiện nay là Grab, Go Việt. Mỗi khi có việc đi đâu, chị luôn bật cả hai ứng dụng, so sánh, bên nào giá rẻ hơn để đặt. Tùy theo chương trình khuyến mãi của mỗi bên, có khi bên này rẻ hơn bên kia tới một nửa, chị Mai Anh cho biết thêm.
So sánh giá, bên nào rẻ hơn thì xài đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là các chị em, khi đặt các ứng dụng gọi xe công nghệ.
Đó cũng chính là lý do mà nhiều tài xế xe ôm công nghệ đã cùng đăng ký chạy cho nhiều ứng dụng gọi xe, để tranh thủ kiếm thêm thu nhập.
Nỗi niềm của những tài xế “2 tay 2 app”
Đặt Go Việt để di chuyển từ đường Hai Bà Trưng đến Lò Đúc, quan sát trên đường để tìm bóng áo đỏ quen thuộc của tài xế chạy ứng dụng này, phóng viên PNVN khá ngạc nhiên, khi đợi mình ở điểm đón là màu áo xanh – thương hiệu của Grab. Nhìn biển số xe, đúng là biển số đã hiển thị trên ứng dụng vừa gọi. Cậu tài xế cười phá lên: Chị yên tâm, lên đúng xe rồi, em chạy cho cả 2 hãng mà.
Việt, quê Nam Định, đã tốt nghiệp đại học được gần 2 năm. Trong thời gian chờ đợi xin việc, Việt đã có hơn 1 năm thâm niên làm xe ôm công nghệ. Trước, có Grab thôi, thu nhập của Việt cũng khá. Nhưng từ khi có thêm sự xuất hiện của các ứng dụng khác như Go Việt, Be, với nhiều chương trình ưu đãi khủng dành cho cả khách hàng và tài xế, những lái xe trẻ, khỏe như Việt bắt đầu chạy thêm cho ứng dụng khác.
Việt kể: Lúc đầu em chưa có kinh nghiệm, cứ buổi sáng thì bật ứng dụng Grab để chạy, buổi trưa, bật Go Việt vì khách đông. Nhưng khi mình tắt ứng dụng nhiều, Grab biết, cảnh báo, khóa tài khoản. Sau này, được các anh em hướng dẫn, Việt dành tiền mua thêm một chiếc máy điện thoai di động nữa, 1 máy để cháy Grab, 1 máy để chạy Go Việt. Nhưng chạy kiểu này tốn sức, hại não lắm.
Phóng viên PNVN đã dành một tuần, đi lại, dịch chuyển hoàn toàn bằng xe ôm công nghệ, để kiểm chứng lời chia sẻ “tốn sức, hại não” của Việt. Thực tế, hiện nay, có không ít tài xế đang chạy cùng một lúc hai ứng dụng Go Việt, Grab, thậm chí, có người còn chạy thêm cả Be.
Minh Quân, một tài xế xe ôm công nghệ quê Hà Tây, cho biết với chiết khấu 20% như các hãng đang áp dụng hiện nay, với mức cước phí chỉ hơn 3.000 đồng/km, số tiền thu về chỉ đủ bù chi phí. Nhưng nếu chăm chỉ chạy, đạt đủ số cuốc hay điểm quy định, thì sẽ được thêm tiền thưởng từ hãng. Phần lớn các tài xế đều cố chạy đủ chỉ tiêu để được hưởng số tiền thưởng này.
Cụ thể, với Grab, nếu chạy được 17 cuốc/ngày, sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng. Mức hỗ trợ sẽ lên 500.000 đồng, nếu chạy được 30 cuốc. Với Go Việt, mỗi cuốc xe sẽ được quy ra 2 – 2,5 điểm, tùy theo khung giờ. Nếu chạy đủ 36 điểm sẽ được thưởng 300.000 đồng/ngày.
Tuy nhiên, đổi lại, mỗi ngày, Quân phải chạy xe từ 10 - 11 tiếng, bất kể thời tiết nắng mưa, bữa ăn thất thường, đa phần là tranh thủ ăn vội cái bánh mì hay gói xôi trong lúc chờ đón khách và thời gian còn lại dành để ngủ lấy sức cho ngày chạy xe tiếp theo.
Nhận chạy 2 app một lúc, một tài xế tên Nguyên tâm sự, không chỉ phải tập trung đi đường cho an toàn, còn phải theo dõi cả hai chiếc điện thoại để nhận được thông báo đón khách, tính toán xem nhận chở cho ứng dụng nào thì có lợi hơn. Nhiều khi, đang chở khách cho ứng dụng này, ứng dụng kia nổ địa chỉ, thì đành phải chạy nhanh trả khách để nhận cuốc hoặc chấp nhận để cho cuốc đó trôi đi.
Tuy nhiên, các hãng đều áp dụng mức hiệu suất tối thiểu mỗi ngày với tài xế (hiệu suất là % số lượng chuyến xe thực hiện thành công trên số lượng chuyến xe yêu cầu được gửi vào ứng dụng của tài xế). Với Go Việt, hiện nay đang áp dụng mức hiệu suất tối thiểu mỗi ngày phải đạt được để nhận thưởng là 70%, nên nếu bỏ chuyến, trôi chuyến quá nhiều, tài xế sẽ không được nhận thưởng. Vì miếng cơm, manh áo, tài xế mới phải chạy thêm ứng dụng khác, để giữ nguồn thu nhập ổn định, nhưng cũng căng thẳng, vất vả hơn rất nhiều.
Theo chị Quyên, một bà mẹ hai con, cũng đang là tài xế xe ôm công nghệ, chỉ cần nộp một số giấy tờ như chứng minh thư nhân dân, thẻ sinh viên, bản sao hộ khẩu có công chứng, bản sao bằng lái xe, giấy đăng ký xe máy… và theo học một khóa nội quy là có thể trở thành tài xế công nghệ. Hiện nay, giữa các ứng dụng cạnh tranh nhau rất khốc liệt, để thu hút khách hàng và tài xế đầu quân. Tùy theo từng thời điểm, các ứng dụng sẽ tung ra những chương trình thưởng, hỗ trợ khác nhau, tài xế cũng nên cân nhắc, để ổn định công việc, sức khỏe và trên hết là đảm bảo an toàn cho hành khách trên chuyến xe của mình..