Khiếu nại tiêu dùng: Thất bại nhiều hơn thành công

21:50 | 08/01/2016;
Số vụ người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại về dịch vụ, hàng hóa tăng nhanh qua từng năm nhưng đến nay vẫn thiếu giải pháp thực sự căn cơ bảo vệ quyền lợi cho họ.

 (ảnh minh họa)

Tại hội nghị tổng kết công tác bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ Công thương chiều 7/1/2016, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas), cho biết: 5 năm qua, Vinastas tiếp nhận hơn 7.700 vụ khiếu nại của người tiêu dùng, tiến hành khiếu nại thành công hơn 3.500 vụ, nhưng lại có hơn 4.000 vụ không thành công, nguyên nhân chủ yếu là thiếu chứng cứ. Trong đó, số vụ khiếu nại tăng đột biến trong năm 2015 lên tới hơn 2.200 vụ, tập trung chủ yếu là các lĩnh vực như: Thực phẩm ăn uống, dịch vụ vận tải, vật phẩm tiêu dùng hằng ngày...

Còn phía cơ quan quản lý Nhà nước lĩnh vực này, Cục quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết: Tổng hợp từ các địa phương, việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng tăng nhanh qua từng năm. Giai đoạn 2013 – 2014, số lượng vụ việc tăng lên khoảng 300 vụ mỗi năm. Đặc biệt, năm 2015, số lượng vụ việc được tiếp nhận và giải quyết tại các Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tăng lên trên 500 vụ.

Số vụ khiếu nại của người tiêu dùng hàng năm được giải quyết chỉ từ 1.000 đến 1.500 vụ là quá nhỏ so với thực tế. Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục phó Cục quản lý Cạnh tranh, lý giải nguyên nhân là các quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hoàn thiện; một số địa phương chưa xây dựng một kênh tiếp nhận thông tin, khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, thậm chí cấp huyện chưa có cán bộ chuyên trách tiếp nhận phản ánh; nguồn nhân lực và tài chính hỗ trợ hoạt động bảo vệ NTD từ cấp trung ương đến địa phương còn yếu; mặt khác, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới người tiêu dùng…

Trong khi đó, thực tế cuộc sống phát sinh nhiều vấn đề trong quan hệ giữa người tiêu dùng với phía cung cấp dịch vụ. Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, nêu ví dụ: Hoạt động giao dịch, mua bán, sử dụng dịch vụ qua Internet ngày càng phát triển, đặc biệt là người cung cấp dịch vụ hàng hóa ở nước ngoài, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng lại ở Việt Nam. Như vậy, vấn đề thực thi pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng ở trong nước nảy sinh bất cập. Đồng thời, ông Khánh cho rằng: Công tác bảo vệ người tiêu dùng không phải của riêng ngành nào, mà cần có sự phối hợp về chức năng thật chặt chẽ, tránh biểu hiện tư tưởng “không phải việc của mình và phó mặc tất cả cho Hội bảo vệ người tiêu dùng”.

Ngoài ra, đại diện Bộ Công thương cũng nêu các giải pháp tăng cường bảo vệ người tiêu dùng như: Mở rộng và hoàn thiện bộ máy về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp trung ương đến địa phương; xây dựng các cơ chế hoạt động phù hợp cho các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên toàn quốc; Công bố công khai quy trình đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung trên website. Thực hiện nghiêm túc việc công khai các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung đã được chấp nhận trên địa bàn để người tiêu dùng tham khảo…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn